Kiến nghị đưa vào Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi quy định về ngân hàng số

Ngày 12-5, Báo SGGP - Đầu tư Tài chính phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức tọa đàm “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong chuyển đổi số quốc gia”.

Buổi tọa đàm nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành và doanh nghiệp liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung 2 luật rất quan trọng là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi).

Nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập báo SGGP phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập báo SGGP phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Trần Văn, Viện trưởng IDS cho biết, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV diễn ra vào ngày 22-5 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 (vào tháng 10-2023) đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi) bên cạnh một số dự án luật khác trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tại tọa đàm, các đại biểu Quốc hội thuộc các cơ quan chuyên trách, chuyên viên cao cấp các vụ thuộc Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN-MT) của Quốc hội sẽ ghi nhận ý kiến, báo cáo các ủy ban của Quốc hội, có thể tham khảo trong quá trình xem xét, thảo luận, thẩm tra, quyết định thông qua 2 dự án luật này.

Góp ý về vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Dương Quốc Anh, Phó Viện trưởng IDS đánh giá, hiện ngành ngân hàng đang đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới để chuyển đổi số. Nhiều ngân hàng đã triển khai ứng dụng công nghệ số như Big Data (dữ liệu lớn), Trí tuệ nhân tạo (AI), Giao diện lập trình ứng dụng (API). Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng IDS Dương Quốc Anh, vấn đề pháp lý, thể chế vẫn là thách thức lớn cho công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực này.

Theo ông Dương Quốc Anh, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ đã kịp thời bổ sung một số nội dung cần thiết hỗ trợ cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng như: bổ sung nguyên tắc tổ chức tín dụng được thực hiện hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử theo quy định của NHNN; Điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; Giao cho Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng…

Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có ngân hàng số. Trong dự thảo luật cũng chưa có quy định nào liên quan đến việc thành lập, tổ chức và hoạt động của ngân hàng số. Trong khi đó, loại hình này mang đến những lợi ích rất lớn cho người dùng như: giao dịch tiện lợi, tiết kiệm thời gian và công sức, tiết kiệm chi phí và bảo mật dữ liệu an toàn.

“Ngân hàng số không thay thế cho các ngân hàng truyền thống nhưng ngân hàng số sẽ hỗ trợ tích cực cho chiến lược toàn chính toàn diện và xóa đói giảm nghèo của các quốc gia. Có thể trong một tương lai không xa tại thị trường tài chính ngân hàng của Việt Nam sẽ xuất hiện yêu cầu về sự có mặt của ngân hàng số”, ông Dương Quốc Anh nhận định.

Ngoài ra, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng chưa có những quy định cho phép các công ty fintech được tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng. Trong khi đó, thời gian vừa qua, các công ty fintech đã cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới trong hoạt động ngân hàng như cho vay, gọi vốn, thanh toán, bảo hiểm, đầu tư, quản lý tài chính cá nhân...

Từ đó, để hoàn chỉnh hơn nữa thể chế hỗ trợ cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam, ông Dương Quốc Anh kiến nghị Chính phủ cần bổ sung những quy định về nguyên tắc chung tại dự thảo luật để có cơ sở giao Chính phủ, NHNN quy định cụ thể về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động tài chính ngân hàng có sự tham gia của các công ty fintech. Đồng thời bổ sung quy định về khái niệm về ngân hàng số và nguyên tắc chung để Chính phủ, NHNN quy định cụ thể việc cấp phép thành lập và hoạt động của ngân hàng số tại Việt Nam.

Quang cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quang cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Nguyễn Phương Tuấn, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN-MT của Quốc hội cũng cho rằng, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có một số chủ trương, chính sách lớn về chuyển đổi số, tiêu biểu là Nghị quyết số 52/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong công tác xây dựng, thực thi chính sách về chuyển đổi số, có một số vướng mắc. Hiện nay, các giao dịch trên môi trường điện tử khá phổ biến nhưng hành lang pháp lý cho vấn đề này còn có những hạn chế, gây cản trở cho sự phát triển. Trong nhiều lĩnh vực, việc áp dụng giao dịch điện tử vẫn khó khăn do thiếu các quy định cụ thể ở cấp độ văn bản luật.

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, khung pháp lý chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế với nhu cầu giao dịch điện tử phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như hành chính, dân sự, kinh tế và xã hội, môi trường và phương thức giao dịch thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho giao dịch điện tử trực tuyến...

Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các luật, là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tránh nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với công cuộc chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

“Tại kỳ họp thứ 5 diễn ra vào ngày 22-5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án quan trọng, liên quan nhiều đến quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Do đó, các ý kiến trong buổi tọa đàm là những thông tin bổ ích cho các Ủy ban của Quốc hội để phục vụ cho quá trình xây dựng các chính sách về chuyển đổi số và hoàn thiện các dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới”, ông Nguyễn Phương Tuấn đánh giá.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP cũng cho biết, buổi tọa đàm nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành và doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, fintech, viễn thông liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung 2 luật rất quan trọng: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi) với tinh thần định hướng đột phá chiến lược tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Đó là “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…”.

Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết 50/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đó là “Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số”.

Nhà báo Nguyễn Nhật cũng cho biết, kết quả cuộc tọa đàm sẽ được Viện IDS tổng hợp, báo cáo với Ủy Ban KHCN-MT, truyền thông rộng rãi để các Ủy ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội có thể tham khảo, sử dụng trong quá trình xem xét, thảo luận, thẩm tra, quyết định thông qua hai dự án luật này.

Tin cùng chuyên mục