Kiến nghị điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị mới Tây Bắc: Hình thành khu đô thị thông minh, sinh thái

Khu đô thị Tây Bắc TPHCM liên quan đến hàng chục ngàn người đang sinh sống bị “quy hoạch treo” lâu năm, cũng là vùng đất gần như không bị ngập lụt, nước biển dâng. Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có văn bản trình UBND TPHCM về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch khu đô thị này.

Quy hoạch lạc hậu, dân bức xúc

Theo ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Khu đô thị mới Tây Bắc (ĐTTB) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 và sau đó cập nhật, kế thừa trong Quyết định số 24 năm 2010. Năm 2005, UBND TPHCM cũng phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 tại Quyết định số 6079 và tiếp tục phê duyệt tại Quyết định số 4919 năm 2009 với quy mô dân số 300.000 người. Thành phố xác định đây là khu đô thị mới hiện đại, sinh thái, phát triển đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo môi trường sống tốt.

Khu công nghiệp Tây Bắc, xã Tân An Hội, Củ Chi sẽ tạo nhiều việc làm hơn 
cho người dân khi Khu đô thị Tây Bắc được hình thành. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thành phố đã tiến hành lập và phê duyệt 11 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trong toàn bộ khu ĐTTB; tập trung kêu gọi đầu tư, thực hiện nhiều giải pháp, từ cơ chế chính sách, các giải pháp quản lý. Tuy nhiên, đến nay khu ĐTTB vẫn chưa triển khai được theo quy hoạch được duyệt. Nguyên do là việc đền bù, giải phóng mặt bằng các khu dân cư hiện hữu trong ranh quy hoạch khu ĐTTB chưa thực hiện được, dẫn đến tình trạng bức xúc, khiếu kiện; đặc biệt là khu vực tập trung các hộ dân đã sinh sống từ trước dọc theo quốc lộ 22, với tổng diện tích khoảng 1.674,2ha.


Tháng 2-2020, điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/5000 khu ĐTTB đã được thành phố phê duyệt. Dựa trên cơ sở này, Ban Quản lý khu ĐTTB tiến hành tổ chức lập đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/5000. Theo nhiệm vụ quy hoạch tỷ lệ 1/5000, khu ĐTTB đã được phê duyệt, xác định có khu dân cư hiện hữu chỉnh trang với quy mô dân số dự báo là 85.000 người, chỉ tiêu đất ở trung bình toàn khu 130m2/người. Ranh giới xác định trên thực tế khoảng 1.674,2ha khu dân cư hiện hữu. Như vậy, phần diện tích này không phù hợp là khu đô thị mới theo Luật Quy hoạch đô thị. 

Với thực tế phát triển hiện nay, khu ĐTTB là một trong những khu chức năng đô thị quan trọng trên hành lang khai thác quỹ đất ở phía Tây Bắc thành phố, với các trục giao thông chính như: quốc lộ 22; vành đai 3, 4; tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài và đặc biệt tuyến metro số 2. Do đó, cần điều chỉnh bổ sung, thay đổi tính chất từ đô thị sinh thái sang đô thị thông minh kết hợp sinh thái, theo mô hình TOD, gắn yếu tố công nghệ hiện đại cho các khu vực này là rất cần thiết và cấp bách để tạo động lực, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính khả thi, thu hút đầu tư...

Theo nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 (điều chỉnh) được phê duyệt, quy mô dân số khu ĐTTB là 300.000 người, trong đó dân số khu dân cư hiện hữu dự báo đến năm 2025 khoảng 85.000 người. Trong 4.410ha còn lại có dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế, diện tích khoảng 923ha đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2000 quy mô dân số 68.000 người. Như vậy, mật độ dân số phân bổ trên diện tích còn lại (3.487ha) chỉ còn 147.000 người là rất thấp, không đảm bảo chỉ tiêu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, khó đáp ứng mục tiêu, định hướng quy hoạch đề ra, không khả thi về thu hút đầu tư.

Theo đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Đại học Quốc tế đã được thành phố phê duyệt năm 2012, khu đào tạo, nghiên cứu có diện tích 306ha. Quá trình kêu gọi đầu tư cho thấy, quy mô khu đào tạo, nghiên cứu hơn 300ha rất khó kêu gọi đầu tư. Do đó, để tăng tính khả thi trong kêu gọi đầu tư và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nên giảm quy mô khu đào tạo đại học nhưng vẫn giữ nguyên quy mô đào tạo, nghiên cứu.

Giảm diện tích, tăng dân số

Nhằm giải quyết chính sách nhà, đất cho người dân, cải tạo chỉnh trang khu vực dân cư hiện hữu, đồng thời thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch 1/5000 khu ĐTTB, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất cần phải điều chỉnh, bổ sung vào nhiệm vụ quy hoạch đã được duyệt một số nội dung như sau: thay đổi quy mô diện tích khu ĐTTB (đô thị mới), giảm từ 6.084ha xuống 4.410ha; tách khu dân cư hiện hữu với dân số quy hoạch khoảng 85.000 người - đến năm 2025; điều chỉnh quy mô dân số từ 300.000 người lên 600.000 người cho toàn khu; giảm diện tích khu đào tạo đại học từ 306ha xuống khoảng 150ha và giữ nguyên quy mô đào tạo, nghiên cứu.

Do các nội dung trên quy định tại Quyết định số 24/QĐ-TTg thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện nay thành phố đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố. Tuy nhiên, nếu chờ đến khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố được duyệt rồi mới bắt đầu thực hiện lập đồ án điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/5000 khu ĐTTB thì thời gian để phê duyệt sẽ kéo dài 2-3 năm, không đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của khu đô thị.

Từ những bất cập đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiến nghị UBND TPHCM xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép TPHCM tổ chức lập quy hoạch phân khu khu ĐTTB theo đề xuất nói trên. Các nội dung này cơ bản phù hợp nhiệm vụ quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và cập nhật vào đồ án quy hoạch chung của thành phố. Trên cơ sở có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM sẽ tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 cho khu ĐTTB.

Bà PHẠM THỊ THANH HIỀN, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi

Khu ĐTTB có quy mô lớn, trải dài trên địa bàn huyện Củ Chi, quy hoạch kéo dài nhiều năm nay đã ảnh hưởng không ít đến đời sống người dân cũng như công tác chỉnh trang đô thị trên địa bàn huyện. Quyền lợi chính đáng về đất đai, nhà cửa của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều; nguồn lực đất đai bị lãng phí rất lớn.

Việc thành phố xin ý kiến Thủ tướng điều chỉnh lập đồ án phân khu tỷ lệ 1/5000 cho khu ĐTTB để phù hợp với tình hình thực tế là hết sức cần thiết. Chúng tôi mong muốn việc điều chỉnh sớm thực hiện, sẽ là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong toàn khu; đặc biệt những khu dân cư hiện hữu sau khi được điều chỉnh thì quyền lợi chính đáng của người dân sẽ được bảo đảm.
ĐỖ TRÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục