Ngày 30-8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp (UBTVQH) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc vừa phối hợp tổ chức hội thảo về độ tuổi pháp lý của trẻ em.
Tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em của Liên Hiệp quốc (Công ước CRC) vào tháng 2-1990. Tuy nhiên, Luật Trẻ em năm 2016 vẫn còn giữ một quy định gây tranh luận đó là về độ tuổi pháp lý của trẻ em (độ tuổi mà theo pháp luật là mốc hay căn cứ để xác định một người còn chưa đủ trưởng thành/ chưa phải người đã thành niên, chưa được hưởng các quyền đầy đủ, cũng như phải thực hiện các nghĩa vụ đầy đủ của một người đã thành niên)…
Trước thực tế trên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Viện Nghiên cứu lập pháp và UNICEF Việt Nam đã phối hợp tổ chức thực hiện nghiên cứu đề xuất điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi.
Theo Báo cáo nghiên cứu có 4 yếu tố chính là căn cứ đề xuất điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em ở Việt Nam lên dưới 18 tuổi. Đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội với việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; yêu cầu từ hội nhập quốc tế của Việt Nam; yêu cầu từ việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục nhóm trẻ 16-17 tuổi ở Việt Nam; khả năng đáp ứng của Nhà nước khi điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi.
Đáng lưu ý, Việt Nam có khoảng gần 3 triệu trẻ em ở độ tuổi 16-17 (thời điểm năm 2018), trong đó bao gồm hàng trăm ngàn em có hoàn cảnh đặc biệt không được hưởng một số chính sách xã hội dành cho việc hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 tuổi sẽ có tác động tích cực trên hầu hết các phương diện. Các tổ chức đồng thực hiện nghiên cứu đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm tiến hành xem xét, sửa đổi quy định của Điều 1 của Luật Trẻ em năm 2016 để điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi như quy định tại điều 1 Công ước của Liên Hiệp quốc về quyền trẻ em. Việc sửa đổi này cũng giúp Việt Nam tạo sự nhất quán về khái niệm trẻ em và người chưa thành niên trong hệ thống pháp luật quốc gia.