Trước câu hỏi về việc thực hiện tăng lương cơ sở từ 1-7, người hưởng lương có được nhận lương mới luôn không, ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc này đã được chuẩn bị từ năm 2019 đến nay, sau khi Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương được ban hành.
Chính phủ đã ban hành nghị định thực hiện việc tăng lương cơ sở, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội trước ngày 1-7 nên thực hiện chi trả lương mới ngay từ ngày 1-7. Các đối tượng hưởng lương hưu đã được nhận lương mới ngay từ ngày 1-7.
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cũng trả lời về kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, dự kiến thu hút FDI trong 6 tháng cuối năm.
Theo đó, tăng trưởng GDP quý 2 ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 6,42%, vượt cận trên kịch bản của Chính phủ (6%). Những kết quả đạt được 6 tháng qua là nền tảng để phấn đấu hoàn thành thắng lợi và vượt mục tiêu phát triển năm 2024.
Nếu đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn thì tốc độ tăng trưởng năm 2024 có khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra (6,5%).
Trên cơ sở kết quả quý 2, 6 tháng và dự báo cả năm, Bộ KH-ĐT dự báo 2 kịch bản tăng trưởng.
Kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng quý 3 là 6,5%, quý 4 là 6,6% (kịch bản của Chính phủ là 6,7% và 7%).
Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm đạt 7%, tăng trưởng quý 3 là 7,4%, quý 4 là 7,6%, cao hơn kịch bản mà nghị quyết Chính phủ đề ra là 0,7% và 0,6%.
Cũng tại phiên họp, Bộ KH-ĐT kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5%-7%, phấn đấu đạt mức cao 7%.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, kịch bản này dựa trên 6 yếu tố. Bao gồm: xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; đầu tư tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước phục hồi nhanh hơn, đầu tư FDI duy trì được đà tăng trưởng tích cực; duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là việc tập trung vào các thị trường lớn có dấu hiệu chậm lại như Trung Quốc, Nhật Bản...; du lịch và tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế (số lượt khách quốc tế tháng 6 đạt trên 1,2 triệu lượt, tăng 28,1%, tính chung 6 tháng đạt trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 - trước dịch Covid-19, hoàn toàn có thể đạt mục tiêu thu hút 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024).
Tiếp theo là các chính sách, quy định pháp luật mới chuẩn bị ban hành và có hiệu lực, nhất là việc có hiệu lực sớm của các luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản sẽ giúp cho thị trường bất động sản tích cực trong 6 tháng cuối năm; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương..., các địa phương này tăng trưởng cao hơn, sẽ giúp tăng trưởng cả nước vượt 6,5%.
“Bộ KH-ĐT kiến nghị Chính phủ đặt mục tiêu đạt tăng trưởng cao hơn 7% để nỗ lực phấn đấu”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho hay.
Khả năng thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm đang duy trì xu hướng khá, đạt 15,19 tỷ USD, tăng 13,1%; vốn FDI thực hiện đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% (cao nhất 5 năm qua). Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam tích cực. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT kỳ vọng thu hút đầu tư FDI năm nay đạt khoảng 39-40 tỷ USD.
Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. ADB, Standard Chartered, HSBC dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam khoảng 6%. IMF đánh giá Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% giai đoạn 2024-2029. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng tăng 2 bậc; Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng 8 bậc; chỉ số hạnh phúc năm 2024 tăng 11 bậc…