Báo cáo tại hội nghị, ông Mai Phương Liên, Phó Trưởng ban chỉ đạo giáo dục khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn TPHCM, cho biết các chính sách, chế độ trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc học sinh khuyết tật và chế độ phụ cấp đối với giáo viên dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập trên địa bàn thành phố đang tạm dừng thực hiện, chờ hướng dẫn của UBND TPHCM.
Việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận mức độ khuyết tật cho học sinh tại các địa phương hiện nay chưa đồng bộ, nhiều hội đồng thẩm định mức độ khuyết tật cấp phường, xã còn lúng túng, cấp giấy chứng nhận không đúng dạng tật, mức độ tật, hoặc không thực hiện việc cấp giấy chứng nhận, gây phiền hà cho người dân trong quá trình thực hiện thủ tục tại địa phương.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành giáo dục đặc biệt hiện nay còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đặc biệt, trong những năm gần đây, giáo viên tại các trường chuyên biệt có nhiều biến động do nghỉ việc và chuyển công tác.
Trong khi đó, số học sinh học hòa nhập, chuyên biệt ngày càng tăng cao, tạo áp lực khá lớn về sĩ số và cơ sở vật chất, việc đầu tư, bổ sung đồ dùng dạy học, đồ chơi, thiết bị, tài liệu chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Năm học 2018-2019, để triển khai hiệu quả công tác giáo dục đặc biệt, TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, giới thiệu các chương trình giáo dục nghề cũng như các chương trình giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính cho học sinh khuyết tật.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục tham mưu các bộ, ngành trong việc ban hành chế độ hỗ trợ phụ cấp ưu đãi đối với nhân viên khối gián tiếp trong các trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (công lập) để giữ chân đội ngũ.