Sáng 1-3, đoàn ĐBQH TPHCM giám sát tại UBND TP Thủ Đức về việc thực hiện quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian từ 1-7-2016 đến 1-7-2021. Đại biểu (ĐB) Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM làm trưởng đoàn giám sát.
Dân chờ đối thoại với Thanh tra Chính phủ
Báo cáo trước đoàn giám sát, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, TPHCM có 10 vụ khiếu nại, tố cáo đông người thì TP Thủ Đức đã có đến 4 vụ. Các vụ việc đã nhiều lần giải quyết nhưng chưa có kết quả cuối cùng, cần có sự phối hợp của các sở ngành, chứ riêng TP Thủ Đức không giải quyết được.
Liên quan đến một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài, đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức cho biết, với Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm vẫn còn tồn hơn 270 đơn. Khi nào Thanh tra Chính phủ chưa tổ chức đối thoại về Kết luận 1483 thì khi đó chưa thể giải quyết được số đơn tồn đọng này (Kết luận 1483 của Thanh tra Chính phủ về kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về KĐTM Thủ Thiêm-PV).
Với Khu Công nghệ cao (KCNC), kết luận có từ cuối năm 2017, đến nay về cơ bản đã giải quyết đầy đủ, đảm bảo quyền lợi. Vừa qua TP Thủ Đức tiếp 49 hộ khiếu nại kéo dài, đến nay còn 26 trường hợp chưa đồng ý.
Về dự án Đại học Quốc gia, theo kế hoạch đến cuối năm 2021 sẽ giải ngân 250 tỷ đồng, còn lại giải quyết trong năm 2022. Tuy nhiên cái khó hiện nay là công tác xác định nguồn gốc đất đai, nhất là ở khu vực phường Linh Trung do người dân chủ yếu mua bán nhà đất bằng giấy tay.
Trình bày rõ hơn, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, tháng 7-2021, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo về kết quả kiểm tra liên quan đến khiếu nại ranh qui hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường KĐTM Thủ Thiêm, nhưng đến nay người dân vẫn đang chờ đợi buổi tiếp xúc đối thoại với Thanh tra chính phủ về kết luận này. Trong đó, đa phần người dân không đồng tình với nội dung của Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh đó, liên quan KĐTM Thủ Thiêm, hiện UBND TPHCM đang xem xét bố trí nguồn vốn để thực hiện chính sách bổ sung.
Theo ông Hoàng Tùng, trong các vụ việc trên, mấu chốt là yêu cầu của người dân và chính sách chưa “gặp nhau”, vẫn còn độ vênh, cần sự tham gia của rất nhiều bên mới có thể giải quyết được.
Cần xem xét lại Luật Đất đai
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Hoàng Tùng cho biết có nhiều tổ chức, cá nhân đã mời luật sư đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đánh giá đây là điểm tích cực.
Ông cũng cho biết thêm, hiện UBND và Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đang là bị đơn của hơn 400 vụ kiện khác nhau. Đa phần các vụ này đều ủy quyền cho các phòng ban chức năng tham gia đại diện, tranh luận trước tòa. Trong khi không phải lúc nào cán bộ cũng có đủ kinh nghiệm, kiến thức pháp luật để tham gia tranh tụng, vẫn chưa có cơ chế huy động thêm sự hỗ trợ của văn phòng luật sư, tư vấn pháp lý để có thể đại diện cho TP Thủ Đức tham gia tranh tụng.
“Đã đến lúc cũng cần hành lang pháp lý để thực hiện việc này”, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức kiến nghị.
Cũng xuất phát từ thực tiễn đa số đơn khiếu nại, tố cáo đều liên quan đến lĩnh vực đất đai, ông Hoàng Tùng cho rằng cần xem xét lại Luật Đất đai 2013, đặc biệt là quy định liên quan đến bồi thường.
“Quy trình bồi thường được quy định hết sức phức tạp, tưởng chừng như sẽ chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi của người dân. Nhưng phần lớn người dân là không đồng tình. Cho nên cái gốc là Luật Đất đai 2013 phải xem xét lại”, ông Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận kết quả thực hiện quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND TP Thủ Đức. Theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, có những nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo nhưng thực ra lại liên quan chặt chẽ với các lĩnh vực khác như đất đai. Dẫn ra một số trường hợp cụ thể mà sau khi thu hồi đất, đời sống người dân không “bằng hoặc cao hơn” mức sống cũ, ĐB đặt câu hỏi: “Nếu đặt mình trong hoàn cảnh người dân, mình có đi khiếu nại không?”
Thay mặt đoàn giám sát, ĐB đề nghị TP Thủ Đức rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân từ quận tới phường. Với các vụ việc khiếu nại đông người, TP Thủ Đức cần tập trung làm tốt việc UBND TP giao. Với các vụ việc đơn lẻ thuộc thẩm quyền, UBND TP Thủ Đức cần chỉ đạo phòng ban tập trung hơn, giải quyết đúng tiến độ, không để kéo dài.
Báo cáo trước đoàn giám sát, Chánh Thanh tra TP Thủ Đức Võ Minh Thanh Tùng cho biết, trong thời gian 2016-2021, tỷ lệ đơn khiếu nại, tố cáo của từng lĩnh vực có giảm đi đáng kể so với giai đoạn 2015-2020. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tranh chấp đất đai, nhà cửa, việc bồi thương, hỗ trợ tái định cư tại KĐTM Thủ Thiêm, KCNC, dự án Chỉnh trang phát triển đô thị Long Bình, Công viên lịch sử - văn hóa – dân tộc, Đại học Quốc gia… |