Kiến nghị cho tồn tại 132 thửa đất từng là tang vật trong vụ án sai phạm đất đai tại TP Phan Thiết

Thường trực Thành ủy Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) vừa thống nhất cho địa phương thực hiện việc truy thu thuế đối với các thửa đất sai phạm nhằm tránh gây thất thoát cho ngân sách.

Liên quan đến vụ sai phạm đất đai xảy ra tại TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) khiến hàng loạt bị cáo nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch và lãnh đạo các phòng chuyên môn UBND TP Phan Thiết phải hầu tòa, được sự thống nhất của Thường trực Thành ủy Phan Thiết, UBND TP Phan Thiết đang phối hợp các đơn vị liên quan truy thu thuế với các thửa đất có sự chênh lệch nghĩa vụ tài chính, đồng thời kiến nghị cho phép tồn tại các khu dân cư tự phát.

Theo đó, thực hiện kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về công tác quản lý đất đai, quy hoạch đô thị tại TP Phan Thiết, UBND TP Phan Thiết đã giao các đơn vị liên quan xác minh lại vị trí 132 thửa đất (tổng diện tích 170.987,3m²) trước khi cho phép chuyển mục đích.
Kiến nghị cho tồn tại 132 thửa đất từng là tang vật trong vụ án sai phạm đất đai tại TP Phan Thiết ảnh 1 Lô đất tại xã Phong Nẫm (TP Phan Thiết) nằm trong 132 thửa đất có sai phạm
Theo kết quả rà soát, 132 thửa đất chuyển đổi mục đích sai phạm trên, có 2 thửa chưa xác định được thông tin địa chính, 37 thửa xác định đúng vị trí, còn lại 93 thửa xác định sai vị trí.

Trong số 93 thửa sai vị trí, có 73 thửa xác định lại nghĩa vụ tài chính tăng so với thông báo trước đây, với số tiền chênh lệch 9,3 tỷ đồng. Đây là số tiền cần phải truy thu.

Ngoài ra, UBND TP Phan Thiết tiếp tục rà soát 34 thửa đất khác đã cho chuyển đổi mục đích đúng quy định thì có 18 thửa xác định nghĩa vụ tài chính có sai sót, với số tiền chênh lệch tăng 1,13 tỷ đồng. Số tiền này cũng phải truy thu.

Theo UBND TP Phan Thiết, hiện nay hầu hết các thửa đất sai phạm đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất (106/132 thửa). Đồng thời, các thửa đất này nhiều trường hợp đã xây nhà ở nên căn cứ theo quy định của pháp luật thì không thể thu hồi, hủy bỏ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thu hồi, hủy bỏ quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Mặt khác, nhu cầu xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống của người dân tại các điểm dân cư này rất lớn và thực sự chính đáng, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp. Đồng thời, nguyên vọng của các hộ dân liên quan đến các thửa đất nói trên đều đề nghị xem xét cho các điểm dân cư tạo mới này được tồn tại để ổn định cuộc sống và cam kết bổ sung hạ tầng theo đúng yêu cầu của nhà nước.

Cùng với đó, những người bị ảnh hưởng trực tiếp do có liên quan đến 132 thửa đất trên rất lớn, với hơn 500 trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng.

UBND TP Phan Thiết cho rằng nếu buộc tháo dỡ cơ sở hạ tầng, không cho tồn tại các khu dân cư trên sẽ gây tác động rất lớn, có khả năng dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện đông người, dễ tạo thành điểm nóng về an ninh trật tự.

Vì vậy, UBND TP Phan Thiết kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép tồn tại các khu dân cư tự phát. Việc này đồng nghĩa giữ nguyên các quyết định đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà Thanh tra Bình Thuận kết luận có sai phạm.

Liên quan đến những sai phạm này, mới đây, TAND tỉnh Bình Thuận đã xét xử 6 bị cáo nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch và lãnh đạo các phòng chuyên môn UBND TP Phan Thiết về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.

Tin cùng chuyên mục