Chiều 4-10, Sở GTVT TPHCM có báo cáo gửi Đảng đoàn Quốc hội và Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo Kết luận số 49- KLT/W của Bộ Chính trị (Đề án).
Sở GTVT TPHCM kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM kiến nghị Chủ tịch Quốc hội thống nhất xây dựng và trình Quốc hội ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù để rút ngắn tiến độ thực hiện dự án và các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất dọc tuyến, phân cấp, phân quyền; phấn đấu đến năm 2035 hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị (Metro) theo quy hoạch được duyệt.
Giao Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và Thành ủy TP Hà Nội khẩn trương báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị để hoàn thiện Đề án. Chấp thuận bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại TPHCM (cùng với đường sắt đô thị tại TP Hà Nội) tại Kỳ họp cuối năm 2024.
Theo Sở GTVT TPHCM, để thực hiện thành công và sớm hoàn thành mục tiêu của Đề án, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và căn cứ vào Kết luận số 49 để đề xuất 6 nhóm cơ chế chính sách, gồm: quy hoạch; huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; tổ chức quản lý, khai thác. Với 31 chính sách gồm: Nhóm cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội (19 chính sách); Nhóm cơ chế thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ (12 chính sách).
Đề án dự kiến nguồn tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia ngân sách trung ương và ngân sách TPHCM (40,22 tỷ USD chiếm 39,57%); ngân sách cho đầu tư công của TPHCM (27,92 tỷ USD chiếm 27,47%); phát triển TOD (175,4 tỷ USD chiếm 17,26%); phát hành trái phiếu địa phương (6,46 tỷ USD chiếm 6,36%); ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu (9,49 tỷ USD chiếm 9,34%).
Dự kiến từ nay đến năm 2035, cần khoảng 835.739 tỷ đồng (34,85 tỷ USD); giai đoạn đến năm 2045 cần khoảng 627.620 tỷ đồng (26,17 tỷ USD); giai đoạn đến năm 2060 cần khoảng 973.714 tỷ đồng (40,61 tỷ USD).
Theo quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị bao gồm 8 tuyến metro xuyên tâm và vòng khuyên với chiều dài khoảng 172,6km và 3 tuyến đường sắt đô thị loại hình khác (tramway, monorail) với chiều dài khoảng 56,5km để kết nối các trung tâm chính của thành phố.
Hiện nay, tuyến Metro số 1 đã cơ bản được hoàn thành và dự kiến đưa vào khai thác vào cuối năm nay; tuyến Metro số 2 (giai đoạn 1) đang chuẩn bị mặt bằng xây dựng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2030; tuyến Metro số 5 (giai đoạn 1) đang được thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.