Hội nghị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Chiều 3-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS).
Các doanh nghiệp cũng có nhiều kiến nghị đáng chú ý.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) Bùi Thành Nhơn kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tháo gỡ triệt để các vướng mắc về pháp lý cho toàn bộ các dự án trên cả nước trong thời gian ngắn nhất. Tăng cường xây dựng bảo đảm pháp lý cho kinh tế tư nhân yên tâm phát triển. Không hình sự hóa kinh tế trên cơ sở ban hành các văn bản pháp lý. Không phân biệt doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được cấp phép xây dựng nhanh chóng, đưa dự án vào triển khai nhanh hơn để tạo công ăn việc làm, tạo ra đơn đặt hàng cho hàng trăm ngành nghề liên quan. Vướng mắc về pháp lý cũng khiến cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn. Do đó, kiến nghị trong ngắn hạn, ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn, như dự án có chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thể được phép tiếp cận vốn vay.
Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp cũng kiến nghị nên tính tới giải pháp sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hay còn gọi là phương pháp hệ số K) như Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã kiến nghị.
Với phương pháp này, doanh nghiệp có thể tính toán được tiền sử dụng đất mình phải đóng trước khi quyết định đầu tư, nhà nước không khó khăn trong việc định giá đất.
Khi áp dụng phương pháp hệ số K, để đảm bảo nguồn thu ngân sách và hài hòa lợi ích: người dân - nhà nước - doanh nghiệp, nên tăng thuế thu nhập doanh nghiệp của ngành nghề kinh doanh BĐS từ 20% tăng lên 28-30% dưới mức thuế khai thác tài nguyên quý hiếm hiện là 32-50%.
“Khoản thuế này đánh trực tiếp vào lợi nhuận của doanh nghiệp BĐS chứ không ở chi phí đầu vào mà người tiêu dùng phải gánh. Điều này góp phần tạo thuận lợi cho đại đa số người dân tiếp cận nhà với giá hợp lý. Doanh nghiệp BĐS có thể đạt lợi nhuận thấp hơn, nhưng góp phần bài toán giải quyết việc làm, đóng góp vào dòng chảy phát triển kinh tế đất nước”, ông Nguyễn Đình Trung nêu.
Đáng chú ý, về đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) vào năm 2030, lãnh đạo Tập đoàn Hưng Thịnh đề xuất cho phép người mua NƠXH được phép chuyển nhượng BĐS của mình tự do với điều kiện bên nhận chuyển nhượng phải nộp thêm khoản tiền tương ứng phần giá trị tiền sử dụng đất.
“Người mua NƠXH khi khó khăn họ được bán được bán BĐS để lo cho gia đình và nhà nước vẫn có thể thu ngay được tiền do họ chuyển nhượng tương đương giá trị sử dụng đất”, ông Nguyễn Đình Trung kiến nghị.
Ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty CP đầu tư IMG |
Ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty Cổ phần đầu tư IMG cho rằng, bản chất của việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS mà Chính phủ đang quan tâm nằm ở 3 vấn đề. Thứ nhất là chống đầu cơ đất. Hiện nay, việc đầu cơ đất và lũng đoạn thị trường BĐS đang ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Người dân mua đất chờ thời cơ tăng giá, khiến một bộ phận lực lượng sản xuất "nằm ngủ", không phát huy tác dụng, rất phí phạm.
Theo ông, kinh nghiệm của các nước là dùng thuế để điều chỉnh sự đầu cơ. “Chúng tôi có dự án ở Australia, mỗi năm phải nộp thuế đất 2%, doanh nghiệp phải đóng thuế đất kể cả khi chưa thực hiện dự án. Giá đất là do cơ quan thuế định giá hàng năm một cách độc lập, năm nay chính quyền địa phương quyết định tăng mức thuế này lên 4%, rất cao. Nếu Việt Nam thực hiện chính sách này thì chỉ có những người thật sự làm dự án mới dám giữ đất và khi giữ đất thì phải làm dự án rất nhanh. Biện pháp này không chỉ chống đầu cơ đất mà còn giúp ngân sách có một nguồn thu lớn”, ông Lê Tự Minh phát biểu.
Ông kiến nghị dự thảo Luật Đất đai bổ sung và áp dụng mức thuế 2% thuế đất hàng năm và áp dụng thuế luỹ tiến khi các khu đất không đưa vào kinh doanh, không sinh lời.
Bên cạnh đó, ông Lê Tự Minh cũng kiến nghị NHNN không cho hoặc hạn chế các doanh nghiệp BĐS tham gia ngân hàng và ngược lại, vì các doanh nghiệp tham gia cả hai lĩnh vực này huy động vốn xã hội chủ yếu cho chính doanh nghiệp mình và ít có tác dụng với xã hội, thậm chí tạo nên những tài phiệt lũng đoạn nền kinh tế.
Cũng theo ông Lê Tự Minh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tháo gỡ vướng mắc pháp lý và xử lý hành chính, bởi khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp BĐS là pháp lý chứ không phải vấn đề ngân hàng. Pháp lý có sự chồng chéo, cùng một vấn đề, một quy định nhưng nhiều cách hiểu, cấp thực thi không thực hiện và không dám làm, chủ yếu là cấp địa phương.
Ông ví von: “lệ làng" ở nhiều nơi rất to, không làm cũng không sao và các doanh nghiệp rất cơ cực. Thất thoát do chậm trễ tiến độ lớn hơn thất thoát do tham ô.
Lãnh đạo IMG cũng đề nghị Bộ KH-ĐT cho phép các doanh nghiệp Việt Nam được kéo dài thời hạn thuê đất hoặc cho doanh nghiệp được trả tiền đất 70 năm để các khu công nghiệp có đủ độ dài của thời hạn, đủ sức hấp dẫn đối tác thuê đất. Việc này vừa đúng luật vừa tăng thêm nguồn thu cho địa phương.