Người dân TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) xếp hàng chờ test Covid-19 để đi sang địa phương khác lúc đại dịch bùng phát. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Ngày 8-11, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho hay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh này vừa ký kết luận thanh tra về việc thực hiện quy định của pháp luật về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19, giai đoạn 2020-2021 đối với trung tâm y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, giai đoạn 2020-2021, tổng kinh phí bố trí mua sắm cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là hơn 72,1 tỷ đồng; trung tâm y tế các huyện, thành phố đã triển khai mua sắm hơn 62,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết luận thanh tra chỉ ra, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận chi không đúng mục đích nguồn kinh phí ngân sách hơn 477 triệu đồng; Trung tâm Y tế huyện Giang Thành chi không đúng 17,4 triệu đồng. Riêng Trung tâm Y tế TP Phú Quốc sử dụng kinh phí tài trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 không đúng mục đích và mua sắm không đúng dự toán được duyệt.
Việc tổ chức mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19 có tổng số thực hiện là 313 gói thầu, trị giá trúng thầu hơn 63 tỷ đồng. Hình thức mua sắm gồm 8 gói thầu đấu thầu rộng rãi, 165 gói thầu chỉ định thầu, 134 gói thầu mua sắm trực tiếp bằng hóa đơn, hợp đồng; 6 gói thầu chào hàng cạnh tranh. Căn cứ kinh phí được giao, trung tâm y tế các huyện, thành phố xây dựng giá gói thầu trên cơ sở so sánh 3 bảng báo giá của 3 nhà cung cấp khác nhau có giá thấp nhất để lập dự toán gói thầu, gửi Phòng tài chính - kế hoạch thẩm định trình UBND huyện, thành phố phê duyệt.
Tuy nhiên, qua thanh tra phát hiện các sai sót như: không lập dự toán gói thầu, phê duyệt dự toán trên cơ sở một bảng báo giá của nhà cung cấp, thực hiện thủ tục mua sắm không đúng thẩm quyền. Các trung tâm y tế huyện, thành phố không đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với các gói thầu chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu.
Một số đơn vị mua sắm không phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Thực hiện lựa chọn nhà thầu không đúng hình thức mua sắm theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt. Mua sắm hàng hóa theo hình thức hợp đồng, hóa đơn, không biên bản thương thảo hợp đồng, không ký hợp đồng mua sắm.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Biên ký 6 hợp đồng mua bán với người có quan hệ gia đình; mua 2 mặt hàng giá cao hơn so với bảng báo giá của doanh nghiệp khác cùng thời điểm, chủng loại.
Trung tâm y tế 12 huyện, thành phố thu phí xét nghiệm Covid-19 đối với bệnh nhân nội trú, thân nhân người bệnh, bệnh nhân ngoại trú chuyển tuyến với tổng số tiền thu phí xét nghiệm hơn 5,6 tỷ đồng là chưa đúng theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Trung tâm Y tế TP Phú Quốc qua kiểm kho kít xét nghiệm Covid-19 còn tồn đối với gói thầu mua 40.000 kít, cho thấy đủ số lượng nhưng không đúng số lô theo biên bản nhập hàng. Thực hiện 2 gói thầu liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á từ nguồn tiền tài trợ, Trung tâm Y tế liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp mua kít xét nghiệm Covid-19 thanh toán bằng hóa đơn với tổng số tiền 775 triệu đồng. Về hai gói thầu này, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã thu thập hồ sơ…
Theo kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Y tế kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố giai đoạn 2020-2021 có sai phạm. Chủ tịch UBND các huyện Tân Hiệp, Gò Quao, Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất, An Minh, U Minh Thượng, Kiên Hải tổ chức kiểm điểm xem xét trách nhiệm trong công tác tham mưu quản lý tài chính ngân sách đối với tập thể lãnh đạo Phòng tài chính - kế hoạch huyện giai đoạn năm 2020-2021 có xảy ra sai sót.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu tổ chức kiểm điểm xử lý kỷ luật đối với ông Chung Tấn Thịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Biên (nay là Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang) trong việc lãnh đạo, chỉ đạo mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, trong đó có việc để xảy ra xung đột lợi ích.
Khu vực cách ly bên trong Trung tâm Y tế TP Phú Quốc lúc xảy ra đại dịch. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với các ông: Lê Công Lĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Phú Quốc; Trương Hoàng Đức, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành (nay là Trưởng phòng Chứng chỉ, hành nghề và Bảo hiểm Sở Y tế tỉnh); Huỳnh Đức Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện An Biên (nay là Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Biên); Phạm Ngọc Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành; Lê Quang Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gò Quao; Nguyễn Văn Tại, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Minh; Hồ Hữu Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Giang Thành; Nguyễn Viên, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hà Tiên; Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kiên Lương; Nguyễn Văn Trực, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòn Đất; Bùi Công Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp; Hà Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận; Lê Văn Nhì, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Y tế tỉnh tổ chức kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với nhiều cá nhân khác; lãnh đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố xác định tính chất, mức độ sai phạm, tổ chức kiểm điểm xem xét trách nhiệm đối với kế toán trưởng, trưởng khoa dược, cá nhân trực tiếp thực hiện các gói thầu mua sắm để xảy ra sai phạm; tùy theo tính chất mức độ có xử lý cho phù hợp.
Kết luận thanh tra cũng đề nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.