Nhà nuôi chim yến xây dựng ngay trong khu dân cư ở trung tâm TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: QUỐC BÌNH. |
Ngày 22-3, ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang cho biết, tỉnh này hiện có gần 2.500 nhà nuôi chim yến với nhiều quy mô khác nhau, phần lớn tập trung ở TP Rạch Giá (nuôi ngay trong nội ô giữa các khu dân cư) và các huyện: An Biên, Giang Thành, Hòn Đất… Tổng sản lượng tổ yến hàng năm khoảng 17 tấn.
“Năm nay có lẽ do thời tiết không thuận lợi nên thống kê sơ bộ cho thấy sản lượng tổ yến sụt giảm đáng kể, có thể giảm khoảng 25% so với năm trước”, ông Đức cho hay.
Ông Trần Văn Tuấn (doanh nghiệp kinh doanh tổ yến Tuấn Anh ở huyện Hòn Đất) cho biết, giá thu mua từ thương lái hiện khoảng 15 triệu đồng/kg tổ yến thô, giảm khoảng 1,7 triệu đồng/kg so với tháng trước. Giá tổ yến tinh chế (sau khi nhặt sạch lông) dao động từ 2-2,2 triệu đồng/100gr tùy theo tình hình thị trường.
“Điều này rất lạ, vì đầu năm đã nghe thông tin tổ yến xuất chính ngạch sang Trung Quốc, lẽ ra giá phải tăng mới đúng. Thương lái ép giá vì cho rằng tổ yến mỏng, nhẹ, không đạt chuẩn…”, ông Tuấn nói.
Ông Lê Văn Thanh (ngụ huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), chuyên thi công nhà nuôi chim yến cho biết thêm, thị trường tổ yến hiện khá phức tạp. Hầu hết chủ nhà yến sử dụng vốn nhàn rỗi, cơi nới tầng nhà để kiếm thêm thu nhập. Tổ yến sau khi thu hoạch chủ yếu tiêu thụ ở dạng thô, bán cho thương lái chuyển đi TPHCM tiêu thụ, gần như toàn bộ bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Chuỗi tiêu thụ mập mờ như vậy nên rất khó quản lý chất lượng sản phẩm.
Một số đại lý thu mua tổ yến ở Kiên Giang cho hay, năm nay sản lượng giảm, nên có người đã tìm mua tổ yến từ các nước lân cận để đảm bảo đơn hàng. Giá tổ yến loại này thậm chí còn rẻ hơn tổ yến thu hoạch tại địa phương.
Ông Trần Công Danh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết thêm, nghề nuôi yến ở tỉnh này lâu nay đều là tự phát, nuôi theo phong trào. Số lượng nhà yến tại các địa phương như Rạch Giá, An Biên, Tân Hiệp tăng nhanh, dẫn đến nguồn thức ăn không đảm bảo, đàn yến bị chia cắt do người dân phát loa dẫn dụ vô tội vạ… Do đó, sắp tới sẽ đưa vào quản lý theo quy hoạch, quy định vùng nuôi, quy mô đàn… Nếu muốn xuất khẩu chính ngạch thì phải quản lý được nguồn gốc xuất xứ.
“Sắp tới sẽ có lô hàng xuất khẩu tổ yến theo đường chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc. Các thủ tục truy xuất nguồn gốc đang được thực hiện, hy vọng sẽ mở ra cơ hội mới cho nghề nuôi chim yến ở Kiên Giang”, ông Danh nói.