Tham gia Đề án, tỉnh Kiên Giang đăng ký thực hiện 200.000ha. Trong đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp) là đơn vị đầu tiên khởi động đề án với diện tích 50ha (25 hộ tham gia).
Ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân ở xã Tân Hội cho biết, gia đình ông đang canh tác hơn 3ha lúa theo mô hình triển khai thí điểm của bộ. Vụ này, ông ước tính ruộng lúa đạt năng suất 900kg/công, lợi nhuận mang lại cao hơn rất nhiều so với trước lúc tham gia Đề án.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa cho hay, hợp tác xã có khoảng 695ha với 320 thành viên. Tham gia Đề án, ông Huỳnh mong muốn các bộ ngành làm tốt việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, từ đó kết nối hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ cho nông dân.
Đánh giá cao những kết quả đạt được từ Đề án, Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn nông dân tiếp tục sản xuất đúng quy trình, giảm giá thành sản xuất để tăng lợi nhuận hơn trong thời gian tới. Đồng thời, mong muốn chính quyền tỉnh Kiên Giang xây dựng tốt các mô hình liên kết sản xuất, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng để nhân dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, Bộ NN-PTNT triển khai 5 mô hình điểm tại các tỉnh: Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ và Trà Vinh.