Ngày 5-10, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, qua kiểm tra, rà soát thì hiện toàn tỉnh còn 235/3.884 tàu đánh cá (có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên) chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Việc lắp đặt thiết bị là thực hiện theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (gọi tắt là IUU).
Trong số 235 chiếc tàu nói trên, có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài bị các lực lượng bảo vệ biển của nước sở tại bắt giữ, thuộc diện xóa đăng ký nhưng bị ngân hàng giữ giấy tờ (vay thế chấp) nên không xóa được. Có tàu sang bán qua nhiều đời chủ không biết chủ nhân đăng ký ban đầu giờ ở đâu. Có tàu đánh bắt thua lỗ, tháo máy nằm bờ nhiều tháng, chủ tàu rời khỏi địa phương không liên lạc được…
Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá (hội có khoảng 800 tàu đánh bắt xa bờ) cho biết, mấy năm gần đây, ngư trường trong nước dần cạn kiệt nên nghề cá thua lỗ liên tục. Các chủ tàu chạy theo lợi ích trước mắt, dùng mọi cách khai thác cạn kiệt nguồn cá tự nhiên, như: cào bay, cào điện, thậm chí dùng chất nổ đánh bắt cá…
Theo dự kiến, cuối tháng 10 này, EC sẽ tới Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống IUU, cũng như đầu tư hạ tầng, tình hình nuôi trồng thủy sản. Trước đó, Việt Nam bị EC cảnh báo "thẻ vàng" từ ngày 23-10-2017. Sau gần 5 năm, Chính phủ, Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn nạn đánh bắt cá trái phép để sớm gỡ cảnh báo này.