Trước tình trạng tôm, cua chết hàng loạt, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang khuyến cáo người dân sớm thu hoạch số tôm, cua còn lại để tránh thiệt hại thêm.
Ông Nguyễn Văn Hồ, ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A (chủ 1,5ha tôm nuôi), cho biết, từ năm 2016 đến nay, đây là đợt hạn mặn kéo dài nhất, có ngày nhiệt độ lên tới 40 độ, độ mặn đo được trong vuông tôm từ 20‰ đến 40‰, nước đóng rong, phèn do nhiễm mặn, tôm nổi lờ đờ trên mặt nước, chết rất nhiều.
Ông Trang Minh Tú, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Biên cho biết, dự báo từ nay đến hết tháng 5, hạn mặn còn diễn ra gay gắt, độ mặn của nước trong các vuông tôm sẽ tiếp tục tăng cao, do đó thiệt hại sẽ không dừng lại. Hiện cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu xét nghiệm và cấp hơn 410kg Chlorine để các hộ nuôi tôm xử lý tạm thời.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cho biết, nắng nóng, xâm nhập mặn tăng cao, kéo dài khiến nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm, mặc dù doanh nghiệp tăng giá từ 5-10% nhưng vẫn không có hàng. Ảnh hưởng đến nguồn hàng cung cấp cho đối tác, doanh nghiệp phải gia hạn, không ít doanh nghiệp phải bồi thường hợp đồng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng tôm các loại bao gồm cả đánh bắt và nuôi trồng đạt 21.742 tấn. Sản lượng tôm nuôi trồng giảm do hạn hán, xâm nhập mặn tăng cao và dịch bệnh, khiến diện tích nuôi tôm giảm mạnh so với thời điểm trước đó.