Theo quy định, nhà nuôi chim yến lấy tổ phải phù hợp quy hoạch của địa phương. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Ông Trần Công Danh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang hiện đứng đầu cả nước về số lượng nhà yến với 2.995 căn, tổng diện tích sàn 730.630m2. Trong đó, có 1.721 nhà xây kiên cố, 1.274 nhà ở cải tạo. Số nhà yến tập trung tại TP Rạch Giá là 872 nhà, Hòn Đất 708 nhà, Hà Tiên 232 nhà. Sản lượng yến sào năm 2022 trên 17,5 tấn; 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 8 tấn, đạt 46% kế hoạch năm.
Theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (có hiệu lực từ tháng 11-2022), tổ yến muốn xuất sang thị trường này phải đáp ứng 3 tiêu chí: Có giám sát dịch bệnh phục vụ xuất khẩu; có giám sát an toàn thực phẩm, cơ sở nuôi được cấp mã số.
Về giám sát dịch bệnh, chủ hộ nuôi chim yến làm thủ tục đăng ký qua mạng, thời gian giám sát đủ 12 tháng kể từ lần lấy mẫu đầu tiên, tần suất 6 tháng/lần, chi phí khoảng 5 triệu đồng/năm.
Về an toàn thực phẩm, sẽ giám sát trên 9 chỉ tiêu (gồm: Nitrite, salmonella, chì, thạch tín, thủy ngân, Cadmium, Antimony, Hydrogen peroxide và chất tẩy trắng). Trọng lượng lấy mẫu từ 50-100g/mẫu, tần suất giám sát 2 lần/năm. Cơ quan thực hiện giám sát là Chi cục Thú y vùng VII (tại Cần Thơ).
Về cấp mã số, do quy định vẫn đang trong giai đoạn dự thảo nên chưa chính thức. Song trước mắt, chủ cơ sở nuôi chim yến cần phải đáp ứng quy hoạch vùng nuôi của địa phương; đáp ứng quy định về độ ồn và thời gian phát loa dẫn dụ; ghi chép và lưu trữ thông tin về hoạt động nuôi yến phục vụ xuất khẩu (theo mẫu do Bộ NN-PTNT quy định).
Đồng thời, gửi mẫu bảng kê khai hoạt động nuôi yến đến UBND cấp xã (theo mẫu). Bao gồm các thông tin: Tên chủ cơ sở, địa chỉ, điện thoại, năm hoạt động, tổng diện tích sàn, sản lượng tổ yến thu hoạch là bao nhiêu kg/năm.