Ngày 8-8, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, vừa ký ban hành đề án chống sạt lở ven biển, ven sông trên địa bàn giai đoạn từ nay tới năm 2025 và định hướng tới năm 2030. Theo đó, phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông cần được thực hiện đồng bộ, cả xử lý cấp bách trước mắt và giải pháp căn cơ lâu dài, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn phòng hộ ven biển; tạo sinh kế cho người dân.
Kiên Giang là tỉnh có hơn 200km bờ biển, chạy dài qua nhiều huyện, thành phố của tỉnh như: Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh, TP Rạch Gá... Đai rừng phòng hộ ven biển rất quan trọng, là lá chắn xanh phòng chống thiên tai, bảo vệ đê biển khỏi bị xói mòn, sạt lở do sóng biển.
Trong kế hoạch phòng, chống thiên tai của Kiên Giang, ngoài việc đầu tư các công trình, địa phương luôn chú trọng và tập trung nguồn lực trồng rừng phòng hộ ven biển. Theo đó, bên cạnh diện tích rừng ngập mặn được trồng mới và phục hồi thuộc các dự án xây dựng kè phá sóng, gây bồi, tạo bãi ven biển Tây, tỉnh Kiên Giang đã và đang triển khai thực hiện tổng diện tích trồng rừng dự kiến sau khi hoàn thành các dự án xây dựng kè là hơn 644ha.
Ban Quản lý rừng Kiên Giang dự kiến kế hoạch trồng rừng bãi bồi, rừng phòng hộ ven biển, giải pháp chủ yếu bảo vệ cây mới trồng là xây dựng tường mềm. Giai đoạn 2021 – 2025 sẽ trồng rừng gồm cây mắm và cây bần ở các bãi bồi ven biển thuộc huyện An Biên và An Minh, với tổng nhu cầu vốn đầu tư 20,4 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang cho biết, theo đề án nói trên, tỉnh cần đầu tư xây dựng tổng số 200 công trình phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông; gồm 18 công trình phòng chống sạt lở bờ biển và 182 công trình phòng chống sạt lở bờ sông. Tổng kinh phí thực hiện hơn 17.406 tỷ đồng, trong đó đề xuất Trung ương hỗ trợ 17.345 tỷ đồng, còn lại là kinh phí từ ngân sách tỉnh...