Kiên Giang đầu tư hơn 1.116 tỷ đồng giải quyết vấn đề nước sạch nông thôn

Ngày 31-12, tại kỳ họp HĐND cuối năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết tỉnh sẽ dành hơn 1.116 tỷ đồng đầu tư cho nước sạch nông thôn.

Theo đó, số vốn trên sẽ được dùng để thực hiện “Dự án nước sạch nông thôn gắn với chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và chiến lược Quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”.

5C377B7F-5831-4E64-93D8-8D962F396FE1.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn phát biểu tại kỳ họp

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, vấn đề nước sạch được xác định đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong phân bổ nguồn lực. Trong năm 2024, tỉnh đã đưa vào vận hành nhà máy nước Bãi Cây Mến, Lại Sơn, Kiên Hải; đồng thời trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận chủ trương đầu tư hồ chứa nước phía thượng nguồn hồ Cửa Cạn.

Về cấp nước nông thôn, trong giai đoạn 2021-2025 đã đầu tư các công trình cấp nước tập trung, nâng tỷ lệ số hộ dân sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung từ 29,46% (năm 2021) tăng lên 40,11% (năm 2024). Hiện tỉnh cũng đang triển khai Dự án cấp nước liên huyện với tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, cùng các dự án cấp nước tập trung khác, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025, nâng tỷ lệ cấp nước tập trung lên 43,85%.

Đối với xử lý rác thải sinh hoạt, người đứng đầu UBND tỉnh Kiên Giang chia sẻ, thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa (TP Rạch Giá) đã thực hiện kiểm tra, xử lý khắc phục tình trạng đọng nước từ xe chở rác, giảm tình trạng gây ô nhiễm môi trường và mùi hôi, cải tạo tuyến đường vào nhà máy xử lý rác.

Đối với TP Phú Quốc, Nhà máy xử lý rác Đồng Cây Sao với công suất xử lý 150 tấn /ngày đêm, sử dụng công nghệ đốt và chôn lấp hợp vệ sinh đã phát huy hiệu quả xử lý, xử lý dứt điểm trên 125.000 tấn rác thải tồn đọng.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua 16 nghị quyết, trong đó có nghị quyết cá biệt (không chứa quy phạm pháp luật) về danh mục dự án điều chỉnh, hủy bỏ trong năm 2025 và nghị quyết quy phạm pháp luật về điều chỉnh và hủy bỏ các dự án đầu tư trong năm 2025.

Theo nội dung nghị quyết cá biệt, các dự án phải thu hồi đất năm 2022, 2023 được điều chỉnh sang thực hiện trong năm 2025: tổng số 27 dự án, với tổng diện tích quy hoạch 57,21ha. Diện tích thu hồi đất là 48,87ha, trong đó sử dụng: đất trồng lúa 12,11ha, đất rừng phòng hộ 4,69ha, và các loại đất khác 32,28ha.

Các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ năm 2022, 2023 được điều chỉnh sang thực hiện trong năm 2025: tổng số 19 dự án, với tổng diện tích quy hoạch 128,39ha. Diện tích phải chuyển mục đích sử dụng 128,15ha, trong đó sử dụng: đất trồng lúa 43,26ha, đất rừng đặc dụng 10,85ha, đất rừng phòng hộ 13,23ha và các loại đất khác 60,81ha.

Các dự án năm 2022, 2023 phải hủy bỏ trong năm 2025: tổng số 55 dự án, với tổng diện tích quy hoạch là 253,20ha.

Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng thông qua nghị quyết quy phạm pháp luật về điều chỉnh và hủy bỏ các dự án đầu tư trong năm 2025. Theo đó, sẽ hủy bỏ 10 dự án, với tổng diện tích quy hoạch 83,83ha.

Tin cùng chuyên mục