Ngày 26-9, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn, đã có buổi khảo sát và làm việc với tỉnh Kiên Giang về công tác thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” sau 10 năm triển khai.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng 50 bộ máy tính cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú PTTH tỉnh Kiên Giang. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo được kiện toàn, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Hệ thống trường, lớp tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, các thiết bị giáo dục được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Đội ngũ nhà giáo ngày càng được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên, đạt mức khá trong vùng và trên mức bình quân chung của cả nước.
Giáo dục ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới. Công tác khuyến học, khuyến tài gắn với xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo của tỉnh từng bước được nâng lên, đáp ứng khá tốt nhu cầu về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Kiên Giang cũng đang từng bước giải quyết các vấn đề về công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, nhất là ở các thị trấn, thành phố…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm Trường Đại học Kiên Giang. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Đoàn công tác của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã đến thăm, làm việc với Trường Phổ thông dân tộc nội trú PTTH tỉnh Kiên Giang, Trường Đại học Kiên Giang (trực thuộc Bộ GD-ĐT).
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc mừng đến thầy cô giáo, hơn 400 học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú Kiên Giang. Theo Bộ trưởng, trường phổ thông dân tộc nội trú là một thiết chế giáo dục đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho con em đồng bào dân tộc với mô hình sinh hoạt, nuôi dưỡng và chăm sóc. Ở đây, các em được học tập trong môi trường tốt với điều kiện tối ưu.
"Các em phải cố gắng học tập thật tốt, tu dưỡng, rèn luyện. Điều này trước hết là cho bản thân, sau đó là cho gia đình, quê hương, dân tộc. Sự tự hào dân tộc sẽ giúp các em phát huy tốt nhất năng lực của mình. Đối với học sinh trong vùng thuận lợi cố gắng một thì các em cần cố gắng hơn một”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Tại Trường Đại học Kiên Giang, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá trong 9 năm vừa qua, nhà trường đã có bứt phá khá toàn diện với quy mô đào tạo hơn 5.000 sinh viên ở 20 ngành học; trường đóng trên địa bàn tỉnh, có khuôn viên rộng, lý tưởng trong đầu tư xây dựng môi trường giáo dục để tiếp tục phát triển.
Theo Bộ trưởng, Kiên Giang là tỉnh có vùng kinh tế năng động với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển toàn diện về kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… đặc biệt là khu vực Hà Tiên, Phú Quốc. Trường Đại học Kiên Giang cần xác định tầm nhìn, xây dựng chiến lược phát triển gắn với sự phát triển của tỉnh Kiên Giang và khu vực ĐBSCL.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trồng cây lưu niệm tại Trường Đại học Kiên Giang. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Bộ trưởng nhận định, để trở thành một trường đại học hiện đại trong khu vực phía Tây Nam, Trường Đại học Kiên Giang cần tập trung phát triển đào tạo nhóm ngành công nghệ kỹ thuật, đầu tư thêm hệ thống hạ tầng, trang thiết bị, phòng Lab, phòng thực hành thí nghiệm. Ưu tiên phát triển đội ngũ nhân lực để đảm bảo chất lượng đào tạo, tiếp tục tạo đà phát triển theo hướng bền vững và có chiều sâu trong thời gian tới…
Đánh giá chung, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng Kiên Giang là tỉnh có mặt bằng giáo dục ở khá so với khu vực ĐBSCL và cả nước. Sắp tới, tỉnh cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, từng bước khắc phục khó khăn, làm tốt hơn nữa công tác giáo dục đào tạo, nhất là đối với bậc đại học.