Trong 3 khóa liên tiếp gần đây, ngay sau khi hoàn thiện tổ chức, nhân sự cho nhiệm kỳ mới, ở Hội nghị Trung ương lần thứ 4 của mỗi khóa, Ban Chấp hành Trung ương lại tập trung cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ hàng đầu, xuyên suốt của Đảng từ ngày thành lập đến nay. Tuy nhiên, có những giai đoạn, công tác này có phần “bị xao nhãng và xem nhẹ”, dẫn đến những yếu kém trong bộ máy hoạt động và tổ chức của Đảng ở các cấp. Đặc biệt là công tác tự phê bình, phê bình, kiểm tra, giám sát, đấu tranh để ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý những sai phạm trong Đảng, xử lý cán bộ suy thoái chưa được làm quyết liệt. Sự tích tụ của những yếu kém đó đã biến một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái trở thành “một bộ phận không nhỏ” trong Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI ra đời là một quyết tâm, giải pháp đánh thẳng vào những tồn tại, yếu kém. Sau 5 năm, trên cơ sở kết quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Đảng tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, tập trung vào những vấn đề yếu kém, những cách làm chưa hiệu quả, còn tồn đọng; kết hợp tự phê bình, phê bình với công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý. Đảng không chỉ định lượng mà còn định danh 27 biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh về sự nguy hiểm khôn lường của những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; đồng thời đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giúp mỗi cán bộ, đảng viên “tự liên hệ, tự soi, tự sửa, tự gột rửa” những hạn chế, khuyết điểm của mình.
Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã có 87.210 đảng viên và 1.329 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật, trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý. Trong đó, có 3 Ủy viên Bộ Chính trị và 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Chưa có nhiệm kỳ nào nhiều cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật như vậy. Điều đó cho thấy công tác xây dựng Đảng được triển khai quyết liệt hơn, tập trung hơn, có trọng tâm, trọng điểm; đem lại những kết quả lớn, cụ thể. Qua đó củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Cùng với việc khẳng định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực”, sát hợp tình hình mới. Hội nghị cũng đã thống nhất cao việc ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm; coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên. Đây cũng chính là việc hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải thấy rõ bổn phận, trách nhiệm mà rèn luyện, phấn đấu, nêu cao danh dự, lòng tự trọng của mỗi người, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Tất cả những quyết định, quy định, biện pháp đó, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, nhằm: “Góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong toàn Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện”