Trong những ngày cuối tháng 3 này, nhóm PV SGGP đã theo chân và ghi nhận khối lượng công việc khổng lồ cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của các lực lượng chức năng tập trung thực hiện công tác kiểm soát, chốt chặn phòng dịch cũng như phục vụ cách ly y tế người bị nghi ngờ mắc Covid-19 tại đây.
Không để ai xuất nhập cảnh trái phép
Biên giới phía Bắc những ngày cuối tháng 3 trời đã bớt rét hơn nhưng vẫn còn mưa phùn ẩm ướt nên cái lạnh vẫn tê tái. Đã quá trưa nhưng nhiều chiến sĩ của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn vẫn đang tuần tra, trực chốt tại các lán trại dã chiến xung quanh cửa khẩu. Trung tá Vi Văn Cẩn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cho biết, đồn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 3,9km với 19 cột mốc cùng 2 cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng; phụ trách địa bàn khu vực biên giới thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, với dân số vào khoảng 12.000 nhân khẩu. Tuyến biên giới có địa hình khá hiểm trở, nhiều đường mòn, núi cao, vách đá tai mèo và thời tiết khắc nghiệt. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cán bộ chiến sĩ của đồn đã phối hợp với lực lượng hải quan và dân quân, công an tổ chức chốt chặn 24/24 giờ, đảm bảo không để bất kỳ trường hợp nào xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Chia tay Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, chúng tôi tới Đồn Biên phòng Tân Thanh, nơi có nhiệm vụ bảo vệ hơn 13,4km đường biên với 38 mốc và quản lý địa bàn 2 xã Tân Thanh và Tân Mỹ với khoảng 5.500 nhân khẩu. Tại lán dã chiến chốt chặn trên đường mòn biên giới ở thôn Nà Hán, xã Tân Thanh, chúng tôi gặp Thiếu tá Hoàng Văn Thành cùng 2 chiến sĩ trẻ vừa đi tuần biên về. Với hơn 30 năm gắn bó binh nghiệp, Thiếu tá Thành chia sẻ: “Nhiều lúc cũng cảm thấy mệt mỏi, nhưng anh em ai cũng bảo nhau phải cố gắng vượt qua để bảo vệ biên giới, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới”. Trung úy Trịnh Quốc Hưng cho biết thêm, từ khi xuất hiện dịch Covid-19, anh em thay phiên tuần tra, chốt chặn, mỗi đêm chỉ chợp mắt được khoảng 4 tiếng. Theo Thiếu tá Đặng Hùng Cường, Phó Đồn Biên phòng Tân Thanh, đồn đã huy động 100% quân số, cùng 30 chiến sĩ tăng cường từ tỉnh lên, lập 19 chốt lán, 6 tổ cơ động nhằm ngăn chặn, xử lý người xuất nhập cảnh trái phép. Hơn 2 tháng nay, cán bộ chiến sĩ của đồn luôn ở trạng thái cắm trại nhằm tăng cường quân số trên biên giới.
Có lẽ chưa bao giờ, không khí thần tốc, ý chí quyết tâm ngăn chặn dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” lại mạnh mẽ đối với những người lính biên phòng như lúc này. Bất chấp vất vả, khó khăn, nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất, nhưng các anh vẫn luôn túc trực suốt ngày đêm tại các đường mòn, lối mở trên tất cả tuyến biên giới và các cửa khẩu để ngăn chặn triệt để các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép và bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch
Tại tỉnh Hà Giang, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng công an, dân quân và y tế địa phương trong công tác phòng chống dịch. Thiếu tá Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm hậu cần Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, cho biết, đơn vị đã thành lập 38 tổ chốt chặn dọc biên giới, 2 tổ cơ động sẵn sàng ứng phó tại các tuyến trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ những người qua lại.
Tại điểm chốt chặn lối lên đường mòn gần mốc 419 ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, một lều dã chiến được dựng ven đường, 6 chiến sĩ gồm 4 chiến sĩ biên phòng và 2 chiến sĩ công an, dân quân túc trực 24/24 giờ bất kể thời tiết khắc nghiệt. Đại úy Lê Văn Hợp, cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú, chia sẻ, điểm chốt chặn không điện, không nước nên anh em gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần quyết tâm, chúng tôi động viên nhau vượt qua để thực hiện tốt nhiệm vụ. Lực lượng đã ngăn chặn hàng chục lượt người vượt biên trái phép, giải thích và tuyên truyền cho người dân hiểu về tình hình dịch bệnh, đưa một số lao động từ Trung Quốc về nước đến khu cách ly để được theo dõi và chăm sóc sức khỏe.
Miền Trung với nắng nóng đầu hè oi ả, nhưng khu cổng chính cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), xe cộ chở khách đều là người lao động Việt Nam từ các tỉnh Savannakhet, Pakse, Vientiane (Lào) về nước nối đuôi nhau chờ thông quan. Trên xe, hành khách tay xách nách mang hành lý, hoặc bồng bế trẻ nhỏ xuống đường, nhốn nháo chờ hướng dẫn qua khu vực đặt máy để đo thân nhiệt trước khi ra khu vực làm thủ tục nhập cảnh và thực hiện cách ly theo quy định. Tất cả các loại phương tiện chở khách cũng được lực lượng chức năng tiến hành phun khử khuẩn kỹ trước khi qua khu vực cửa khẩu…
Có mặt tại cửa khẩu Cha Lo những ngày này, chứng kiến số lượng kiều bào, người lao động trở về quê hương tránh dịch ngày một tăng. Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cha Lo, Thượng tá Phan Thanh Bổng cho biết: “Theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, hiện cửa khẩu Cha Lo tạm dừng cấp thị thực 30 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 18-3. Anh em chúng tôi ngoài đảm bảo quân số tuần tra cột mốc đường biên còn dựng lều bạt hướng dẫn bà con về quê an toàn. Chúng tôi xác định, kiểm soát vùng biên an toàn thì nội địa đỡ vất vả”. Ngày 21-3, cửa khẩu quốc tế Cha Lo tiếp tục quá tải lượng khách đổ về, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp có mặt tăng cường chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình (CDC) cho biết: “Ở bất cứ nơi nào cần thì CDC đều có mặt với nguồn lực đầy đủ nhất, kỹ lưỡng nhất nhằm triển khai y tế bắt buộc, phối hợp với các lực lượng”.
Ngoài các cửa khẩu, dọc biên giới Việt Nam - Lào, các đồn biên phòng thuộc địa bàn miền Trung đã thiết lập hàng chục chốt dã chiến để kiểm soát các đường mòn xuyên biên giới. Các thành viên luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận lệnh. Trung tá Hồ Văn Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhâm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, bày tỏ: “Những ngày qua, đơn vị đã cử cán bộ xuống địa bàn, phối hợp với nhà trường tuyên truyền cho học sinh; đến từng hộ dân tuyên truyền về phác đồ phòng chống dịch Covid-19, giúp người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và tự biết cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình…”.
Các đồn biên phòng khu vực biên giới Tây Nam cũng căng mình kiểm soát dịch bệnh. Tại Kiên Giang, các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã triển khai 18 chốt liên ngành trên biên giới đường bộ, 2 tàu tuần tra trên vùng biển. Ở các chốt, mỗi tổ có 7 - 12 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 2 - 4 cán bộ biên phòng làm nòng cốt thường trực, 1 công an chính quy, 2 công an viên cùng lực lượng dân phòng, xã đội ứng trực 24/24 giờ tại địa bàn trọng yếu nhằm ngăn chặn các trường hợp người dân đi ngang, về tắt, du khách và kiều bào Campuchia né tránh không vào khai báo y tế.
Theo Thiếu tá Lưu Đắc Nhanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, để kiên quyết ngăn chặn tình trạng kiều bào và du khách né tránh khai báo y tế khi vào lãnh thổ Việt Nam qua đường tắt, lối mở trên tuyến biên giới bộ giữa tỉnh Kiên Giang và nước bạn Campuchia, đơn vị đã triển khai lực lượng xuống địa bàn cắm chốt trực xuyên suốt. Do triển khai gấp rút, hiện các cán bộ, chốt liên ngành đang phải ở trong nhà dân hoặc che lán trại bằng tre lá để ở tạm. Nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cùng các ngành chức năng TP Hà Tiên đã cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ…
Ngày 22-3, Đại tá Trần Quốc Khánh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang, cho biết, trên địa bàn tỉnh có 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới, gồm: Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu và TP Châu Đốc, với chiều dài gần 100km, cùng nhiều đường mòn, lối mở dân sinh tiếp giáp Campuchia. Đơn vị đã dốc toàn lực chốt chặn, không để người dân qua lại; hướng dẫn người dân đi theo con đường chính ngạch thông qua các cửa khẩu chính là: Vĩnh Xương, Long Bình, Tịnh Biên, Khánh Bình, Bắc Đai để thực hiện nghiêm việc kiểm soát y tế, tiến hành đo thân nhiệt.
\