Mục đích của đợt kiểm tra cao điểm là nhằm đánh giá năng lực sản xuất, khả năng tạo nguồn hàng, chất lượng sản phẩm của DN; qua đó, phát hiện khiếm khuyết (nếu có) trong quá trình thực hiện CTBOTT; chấn chỉnh, khắc phục và đề xuất biện pháp xử lý cần thiết.
Đây cũng là dịp để đoàn công tác tiếp nhận thông tin, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn DN mới tham gia chương trình trong công tác triển khai, thực hiện kế hoạch.
Nội dung thực hiện bao gồm, kiểm tra điểm bán hàng BOTT, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sạp chợ, cửa hàng tạp phẩm… tham gia bán hàng bình ổn. Kiểm tra về năng lực sản xuất, khả năng tạo nguồn hàng, chất lượng sản phẩm của DN theo các tiêu chí: dây chuyền sản xuất, hệ thống chuồng trại, kho bãi, thương hiệu, giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa.
Kiểm tra việc chấp hành các quy định về quy cách điểm bán hàng BOTT, niêm yết giá bán và bán đúng giá quy định, công tác phát triển mạng lưới bán hàng. Kiểm tra số lượng, chất lượng hàng hóa đưa vào lưu thông trên thị trường theo kế hoạch được giao.
Theo đó, việc kiểm tra các điểm bán hàng BOTT được tổ chức thường xuyên, định kỳ và đột xuất (không thông báo trước với DN); trong đó chủ yếu là kiểm tra việc chấp hành các quy định về điểm bán hàng BOTT được nêu tại Thông báo số 3540/TB-SCT về việc hướng dẫn thực hiện quy cách điểm bán hàng thuộc các CTBOTT trên địa bàn TPHCM.
Đối với các đơn vị sản xuất, việc kiểm tra, khảo sát quy trình sản xuất, công tác tạo nguồn hàng cũng sẽ được thực hiện định kỳ và đột xuất.
Dự kiến kế hoạch như sau: đối với CTBOTT các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ tổ chức 2 đợt. Đợt 1 sẽ kiểm tra năng lực sản xuất, khả năng tạo nguồn hàng, chất lượng sản phẩm của các DN.
Đợt 2, kiểm tra tiến độ sản xuất, thu mua, công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019, thời gian từ ngày 1-11 đến 31-12-2018. Địa điểm kiểm tra tại các đơn vị sản xuất, nhà máy, kho hàng, xưởng, trang trại nuôi trồng… của DN BOTT tại các tỉnh, thành và trên địa bàn TPHCM.
Đối với các CTBOTT khác như phục vụ mùa khai giảng, mặt hàng sữa và các mặt hàng dược phẩm thiết yếu cũng sẽ được phối hợp kiểm tra luân phiên.
Căn cứ Quyết định số 4687 của UBND TPHCM, công tác kiểm tra chủ yếu do Sở Công thương và Sở Y tế phối hợp với Văn phòng UBND TPHCM, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các sở ngành liên quan thực hiện.
Kết thúc thời điểm kiểm tra tại các đơn vị, có báo cáo cụ thể gửi về Sở Công thương để tổng hợp và báo cáo UBND TPHCM.