Theo Tổng Bí thư, với việc tất cả các tỉnh đều lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãnh đạo các địa phương sẽ phải quan tâm nhiều hơn, không ai có thể đứng ngoài pháp luật…
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực cuối tháng 4 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, cũng đã nhấn mạnh, từ thực tế của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã rút ra kinh nghiệm hoàn toàn đúng cả về lý luận, thực tiễn và đường lối. Đó là công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Theo Tổng Bí thư, đây là kinh nghiệm hay, đúng nguyên tắc, kỷ luật Đảng trước, rồi đến kỷ luật về hành chính, tiếp đến là xử lý hình sự. Đây là chủ trương phù hợp, thực tiễn chứng minh đúng, có kết quả tốt, phải nhân lên. Đây cũng là nội dung được nhấn mạnh tại Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, vừa được ban hành: “Chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, triệt để, đồng bộ các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm”.
Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng có vai trò hết sức quan trọng, đối với việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Bởi, các vụ án, vụ việc hầu hết đều liên quan trực tiếp đến nhiều đảng viên là cán bộ, thậm chí là nhiều cán bộ cấp cao, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Trước đây, hầu hết các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, có kết luận thì đều là ở nhiệm kỳ trước, đã qua; việc xử lý kỷ luật chủ yếu các “nguyên” và tập thể nhiệm kỳ trước. Gần đây, sự vào cuộc của Ủy ban kiểm tra các cấp nhanh hơn, đem lại hiệu quả tốt hơn, sớm có kết quả để các cơ quan chức năng khác đủ điều kiện xử lý tiếp, đảm bảo nghiêm minh, khách quan. Vụ án Công ty CP Công nghệ Việt Á liên quan đến Bộ KH-CN, Bộ Y tế, Học viện Quân y và nhiều địa phương là một ví dụ điển hình.
Những vụ án phát hiện, xử lý vừa qua cho thấy, tham ô, tham nhũng không còn riêng lẻ mà mang tính chất tập thể, có tổ chức, cấu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ Nhà nước và bên ngoài. Đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao, hầu hết đều sai phạm ngay từ cơ sở, cần phải phát hiện sớm, có biện pháp xử lý nghiêm minh, để hạn chế tối đa những hậu quả về cả mặt chính trị và kinh tế. Vì vậy, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp phải tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp, kết hợp một cách chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát phải đi trước một bước, ở tất cả các cấp. Làm tốt công tác này, chắc chắn việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và cả hệ thống chính trị sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, kết quả lớn hơn nữa so với thời gian qua; từng bước đẩy lùi và chiến thắng được bọn “giặc nội xâm”!