Cấp mã số nhiều, nhưng thu hồi… không ít!
Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có 6.883 MSVT xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm như: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt… sang 11 thị trường (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Thái Lan…). Trong đó, ĐBSCL có số lượng MSVT lớn nhất cả nước (3.975 - chiếm 57%) đang hoạt động, và tỉnh có số lượng vùng trồng lớn nhất là Đồng Tháp với 2.469 MSVT.
Ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang, cho biết: Hiện nay, do yêu cầu của thị trường thế giới, việc xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh sẽ không thực hiện được nếu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan không tuân thủ các quy định tại tiêu chuẩn cơ sở về quy trình thiết lập, giám sát vùng trồng và quy trình thiết lập, giám sát cơ sở đóng gói của Cục Bảo vệ thực vật. Do đó, MSVT chính là chìa khóa mở cửa cho nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Nhiều loại trái cây ở ĐBSCL được cấp mã số vùng trồng cần được tăng cường kiểm soát chất lượng để xuất khẩu bền vững. Ảnh: VĨNH TƯỜNG |
Cùng với MSVT, ĐBSCL đứng đầu cả nước với 626 mã số cơ sở đóng gói đang hoạt động, chiếm 39,4% của cả nước. Tiền Giang là tỉnh được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu nhiều nhất (850 cơ sở). Nhưng thông qua công tác giám sát định kỳ, đến nay tỉnh Tiền Giang đã thực hiện thu hồi 535 mã số cơ sở đóng gói không đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.
Từ năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận 4 đợt thông báo từ phía Trung Quốc về các lô hàng không tuân thủ kiểm dịch thực vật với hàng xuất khẩu là chuối, mít, thanh long, sầu riêng, chôm chôm…, hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật không phải do cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam cấp. Trong đó, Tiền Giang là tỉnh có số lượt vi phạm nhiều nhất với 267 vi phạm của vùng trồng và cơ sở đóng gói (chiếm 35,6%).
Cấp bách “gia cố” MSVT
Tại ĐBSCL, Hậu Giang có tỷ lệ giám sát cao, trên 80% đối với vùng trồng và 94,7% đối với cơ sở đóng gói. Ngược lại, tỉnh có số lượng MSVT được cấp nhiều như Đồng Tháp (2.477 MSVT) và Long An (288 MSVT) nhưng tỷ lệ giám sát lần lượt chỉ đạt 23% và 0,3%, quá thấp so với quy định cần phải giám sát hàng năm. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, để công tác cấp, quản lý MSVT, mã số cơ sở đóng gói hiệu quả hơn trong thời gian tới, sở tiếp tục tập trung hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất đảm bảo đạt hiệu quả cao; đồng thời kiểm tra, giám sát và thu hồi hoặc hủy đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói không đảm bảo các yêu cầu.
Tại Long An, có 109 cơ sở thanh long được cấp mã số cơ sở đóng gói |
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhận định: Dù công tác giám sát MSVT, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu tại các tỉnh được quan tâm hơn trong thời gian gần đây, song chưa có nhiều thay đổi rõ nét. Hầu hết các tỉnh mới chỉ quan tâm đến hướng dẫn thiết lập và cấp mới mà chưa tập trung nguồn lực cho giám sát các MSVT, mã số cơ sở đóng gói sau khi được phê duyệt. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thực tế nhiều lô hàng vi phạm phải nhận cảnh báo từ cơ quan kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu, hoặc buộc phải “quay đầu xe” ngay tại các cửa khẩu của Việt Nam.
Ông Trần Công Danh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết, cái khó hiện nay là vẫn còn một bộ phận nông dân chưa hiểu về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cấp MSVT. Một số người dân vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện quy trình đăng ký xây dựng MSVT. Những thông tin, kiến thức, quy định về cấp MSVT, cơ sở đóng gói… cho các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu nông sản thời gian qua chưa được thông tin, tuyên truyền rộng rãi.
Theo Bộ NN-PTNT, trong 10 năm qua (2013-2022), ĐBSCL đã mở rộng diện tích cây ăn trái rất lớn. Đến hết năm 2022, tổng diện tích cây ăn trái toàn vùng là trên 400.000ha.
Việc mở rộng được thị trường xuất khẩu trái cây là ấn tượng, nhưng việc duy trì chất lượng, tuân thủ các quy trình kiểm dịch bằng các biện pháp sản xuất an toàn là cấp bách. Theo đó, vùng trồng cây ăn trái cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất và yêu cầu của nước nhập khẩu, hướng đến thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), đặc biệt chú trọng việc ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác; thường xuyên theo dõi, giám sát sâu bệnh và xử lý dứt điểm các loại sâu bệnh, đặc biệt là các loài gây hại mà nước nhập khẩu quan tâm. Các cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc; đầu tư trang thiết bị để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Tăng cường năng lực cạnh tranh của các vùng trồng và cơ sở đóng gói thông qua việc cải tiến quy trình sản xuất, đóng gói, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Ông HOÀNG TRUNG, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT:
Tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho các lô hàng không tuân thủ quy định
Đối với những lô hàng đã đến cửa khẩu mà cơ quan kiểm dịch thực vật phát hiện vi phạm, đề nghị các địa phương phải bắt buộc quay về nội địa. Khi nào doanh nghiệp tìm được biện pháp khắc phục mới cho phép khai thác, xuất khẩu trở lại; thậm chí yêu cầu tạm dừng khai thác, sử dụng đối với MSVT, hoặc mã số cơ sở đóng gói đó. Bên cạnh đó, ngành chức năng và địa phương phải tăng cường hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương. Đồng thời phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho các lô hàng không tuân thủ quy định về kiểm dịch...
Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương tăng cường giám sát mã số sau khi được cấp, rà soát các vùng trồng đã cấp mã số, không cấp mới cho các trường hợp vi phạm. Bộ NN-PTNT và Bộ Tư pháp đang xin phép Chính phủ cho phép xây dựng hai dự thảo nghị định, gồm nghị định về hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản và nghị định quy định các chế tài xử phạt vi phạm về mã số vùng trồng, đóng gói, xuất khẩu nông sản.
PHÚC VĂN