Phóng viên Báo SGGP vừa có cuộc trao đổi với đồng chí Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM, về những kết quả, giải pháp trọng tâm trong công tác kiểm tra.
Lập các đoàn kiểm tra, giám sát
* Phóng viên: Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần vào kết quả chung trong việc PCTNTC của TPHCM ra sao, thưa đồng chí?
* Đồng chí DƯƠNG NGỌC HẢI: Trong thời gian qua, UBKT Thành ủy TPHCM và UBKT cấp ủy các cấp thuộc Đảng bộ TPHCM đã thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Đảng với khối lượng công việc khá nhiều, hiệu quả tiếp tục được nâng lên.
Trong đó, đã tập trung kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng đối với các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC theo dõi, chỉ đạo; các trường hợp đảng viên vi phạm pháp luật; các vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á…
Hành vi vi phạm chủ yếu của các đảng viên là thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, vi phạm các quy định pháp luật của Nhà nước về quản lý tài sản, quản lý đất đai, xây dựng, đầu tư, đấu thầu, xây dựng cơ bản, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước.
* UBKT Thành ủy TPHCM đã thành lập các đoàn kiểm tra tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy. Kết quả kiểm tra đến nay ra sao?
* UBKT Thành ủy TPHCM thành lập 8 đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 4 tổ chức Đảng và 4 đảng viên. Nội dung vi phạm chủ yếu là thực hiện không đúng quy chế làm việc; công tác cán bộ, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh.
Từ kết quả kiểm tra, giám sát, đã kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có nhiều đồng chí giữ nhiệm vụ quan trọng của TPHCM.
UBKT sẽ công khai kết quả xử lý. Những kết quả đó minh chứng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng góp phần quan trọng trong việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ.
Tập trung lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng
* Thời gian tới, UBKT sẽ tập trung kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nào?
* UBKT Thành ủy TPHCM chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường kiểm tra, giám sát khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng, đảng viên ở những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm.
Thực tế công tác kiểm tra, giám sát tại Đảng bộ TPHCM đã chỉ ra một số lĩnh vực thường xảy ra sai phạm như: công tác cán bộ; việc thực hiện quy chế làm việc, các nguyên tắc của Đảng; công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng; việc thực hiện các công trình, dự án; việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đầu tư công; giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân, doanh nghiệp; việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan có chức năng bảo vệ pháp luật hoặc những địa phương, đơn vị có nhiều đơn, thư tố cáo, phản ánh.
* Từ sự kiểm tra, giám sát, đồng chí đánh giá thế nào về tính chất, mức độ vi phạm?
* Qua kiểm tra, giám sát, UBKT Thành ủy TPHCM nhận thấy mức độ vi phạm từ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng; làm thiệt hại tài sản nhà nước, nhiều trường hợp khó có khả năng khắc phục, gây bức xúc trong xã hội... Trong đó, có những việc mới, việc khó, thuộc các lĩnh vực cần có chuyên môn sâu và liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.
Do vậy, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tổ chức Đảng và người đứng đầu tại các địa phương, đơn vị và kiên quyết chỉ đạo xem xét, xử lý trách nhiệm nếu có vi phạm. Đồng thời, đề xuất cấp ủy điều chuyển công tác đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị có sai phạm, tiêu cực hoặc để xảy ra tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị mình quản lý; phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực nhưng bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật.
Đối với các trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, qua đó “đi trước, mở đường”, phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định pháp luật.
"Ngành Kiểm tra của Đảng bộ TPHCM coi trọng khâu nắm tình hình giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế của Nhà nước để chủ động ngăn ngừa, phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm từ khi mới manh nha, chớm phát sinh vi phạm, không để vi phạm từ một người thành nhiều người, từ ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng" Đồng chí DƯƠNG NGỌC HẢI, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM |
Phát huy “tai mắt” nhân dân
* Theo đồng chí, có giải pháp nào để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ vi phạm? Đặc biệt là việc vai trò của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát được phát huy ra sao?
* Trong thời gian tới, khi tiến hành công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, phải gắn kết, phát huy vai trò kiểm tra, giám sát với tự kiểm tra và hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, đoàn thể chính trị - xã hội… Đặc biệt, TPHCM đã có Quy định 1374 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây là cách làm rất sáng tạo của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.
Cụ thể, trong 4 nguồn thông tin phản ánh theo Quy định 1374, có 2 nguồn thông tin được phản ánh trực tiếp từ người dân và 2 nguồn thông tin phản ánh từ hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, cơ quan báo chí. Trong 5 nhóm hành vi vi phạm từ 4 nguồn thông tin phản ánh này, có quy định rõ thông tin phản ánh hành vi vi phạm về PCTNTC, lãng phí phải được xem xét, xử lý và công khai kết quả xử lý theo quy định.
Như vậy, thông qua thực hiện Quy định 1374, Đảng bộ TPHCM đã hình thành cơ chế lắng nghe ý kiến phản ánh trực tiếp và gián tiếp của người dân về công tác PCTNTC. Qua đó, góp phần rất quan trọng để thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng trong việc đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực.
* Cùng với kiểm tra, giám sát thì biện pháp phòng ngừa sẽ được chú trọng thế nào?
* Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Đồng thời, phải giữ vững các nguyên tắc của Đảng, coi trọng chứng cứ, không suy diễn, không áp đặt, không thành kiến, kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống; xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Song song đó, phải coi trọng khâu nắm tình hình giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế của Nhà nước để chủ động ngăn ngừa, phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm từ khi mới manh nha, chớm phát sinh vi phạm, không để vi phạm từ một người thành nhiều người, từ ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng.
Kỷ luật nhiều tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm |