Tại đây, đồng chí Dương Anh Đức nhấn mạnh: Ngày 1-4-2023 là thời hạn kết thúc thí điểm thành lập Ban quản lý ATTP. Ban cần thành lập ngay tổ công tác có trách nhiệm phối hợp với các sở ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý để sớm trình UBND TPHCM phương án, kế hoạch sơ kết, tổng kết sau 6 năm thí điểm.
Chậm nhất quý 3-2022 hoàn thành công việc này, trên cơ sở đó, UBND thành phố sẽ trình xin ý kiến Thành ủy và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập cơ quan chuyên môn an toàn thực phẩm trực thuộc UBND thành phố.
Đại diện các sở ngành cũng bày tỏ lo lắng tình trạng chưa kiểm soát tốt VSATTP đường phố, chợ tự phát… Đồng chí Dương Anh Đức yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát lại các quy định vì hiện nay trách nhiệm các khâu đã rất rõ, cần phối hợp và đề ra kế hoạch cụ thể, lộ trình thực hiện để kéo giảm, tiến tới kiểm soát chặt vấn đề VSATTP trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Ban Quản lý ATTP, năm 2021 đơn vị đã thanh, kiểm tra, hậu kiểm gần 20.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, phát hiện hàng trăm cơ sở vi phạm, xử phạt với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng, buộc tiêu hủy 80 tấn sản phẩm. Ngoài ra, ban còn phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, phát hiện 40 vụ vi phạm về kiểm dịch và các quy định về thú y trong quá trình vận chuyển.