Ông Trần Hoàng Tuấn đã lần lượt kiểm tra các vật liệu kiến trúc tại 3 khu vực hố khai quật thuộc nội thành Châu Sa với diện tích 5m2.
Thành cổ Châu Sa là nơi vừa phát hiện sau khai quật xuất lộ nguyên vẹn lò nung và phương pháp đốt ngoài trời của các vật liệu kiến trúc gạch, ngói… với niên đại trước thế kỷ X.
Sau khi được Bộ VH-TT-DL cho phép, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi tiến hành thăm dò khảo cổ tại khu vực nội thành di tích thành Châu Sa từ ngày 12-9 đến 12-10, với kết quả phát hiện đợt này sẽ giúp các nhà nghiên cứu tiếp tục đánh giá về di sản kiến trúc thành Châu Sa, giá trị của những hiện vật còn nằm trong lòng đất, xác định vai trò quan trọng của thành Châu Sa trong lịch sử Chămpa, Đại Việt.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Trước mắt chúng tôi sẽ làm mái che để giữ hiện trạng hố và dấu tích kiến trúc, đồng thời, xin chủ trương tiếp tục khai quật quy mô lớn hơn trong những đợt tiếp theo”.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, trước mắt, tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan lấy các mẫu hiện vật được khai quật để giám định niên đại, tiến đến lập hồ sơ di tích, báo cáo Bộ VH-TT-DL để có những định hướng, tiến đến khai quật đồng bộ khu vực thành Châu Sa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Thành Châu Sa được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII-IX, được đắp bằng đất sét pha sỏi đá ong, phần lõi của thành được đắp gần vuông (540 x 580m) và có 5 cửa ra vào. Sau hơn 1000 năm, phế tích còn rõ nhất của thành là hào sâu và rộng bao quanh. Nhiều di tích, di vật cổ của người Chămpa được phát hiện như lò gốm ở Núi Chồi, tiểu phẩm Phật giáo được khai quật ở thành Châu Sa…
Người có công khai quật thành cổ này là kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ học người Pháp H. Parmentier. Năm 1924, ông tìm thấy trong thành một bia đá niên đại năm 903. Bia khắc thông tin về hai vị vua đầu tiên của vương triều Chăm Indrapura (875-982) là Indravarman II và Yaya Simhavarman.
Thành Châu Sa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1994.