Tuy nhiên, ngay sau đó, Duy Phương đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc của Lê Giang và cho rằng đây là chuyện vu khống, bịa đặt. Ngoài ra, ông cũng cho biết, sự việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, danh dự và cuộc sống hiện tại của ông và khẳng định đã chính thức làm việc với luật sư để gửi đơn kiện chương trình Sau ánh hào quang cũng như phía đài truyền hình vì phát sóng chương trình với thông tin sai sự thật, chưa qua kiểm chứng gây hậu quả nghiêm trọng.
Rõ ràng, việc nghệ sĩ Duy Phương bức xúc và quyết định kiện đơn vị phát sóng có thể xem là giọt nước tràn ly trước việc các nhà đài thả nổi một số chương trình truyền hình vào tay đối tác là các đơn vị sản xuất chương trình. Sau một thời gian dài xã hội hóa truyền hình, các đài ngày càng lơ là trong việc kiểm soát nội dung cũng như những vấn đề pháp lý liên quan.
Trong trường hợp cụ thể này, nếu nhà đài tin hoàn toàn vào những chia sẻ của nghệ sĩ để cho lên sóng những nội dung gây ảnh hưởng đến cuộc sống người khác mà không kiểm chứng hoặc chứng minh được đó là sự thật thì rõ ràng đã có dấu hiệu vi phạm luật. Bởi theo Luật Báo chí, khi thông tin được nhà đài hoặc báo chí đăng tải có liên quan đến danh tính, hình ảnh của người thứ 3 thì bắt buộc phải có sự kiểm chứng hoặc đồng tình của người có liên quan, nếu không phải che mặt nhân vật hoặc giấu tên. Song, trong chương trình này hoàn toàn không được sự cho phép của nghệ sĩ Duy Phương khi câu chuyện kể về cá nhân nghệ sĩ này rõ ràng là sai.
Không chỉ yếu tố đời tư được khai thác một cách cẩu thả, quyền sở hữu trí tuệ cũng đang bị xâm phạm trong các game show giải trí. Mới đây, nhà sản xuất phim Lô tô đã lên tiếng bức xúc trước việc trích đoạn Sóng gió cuộc đời tham gia chương trình Thử tài siêu nhí phát trên một đài truyền hình tỉnh đã lấy nội dung, tên nhân vật của phim, đồng thời ghi rõ trong dòng chạy chữ là chuyển thể từ phim Lô tô nhưng không hề xin phép nhà sản xuất.
Nhà đài này cũng không ít lần dính phốt về vi phạm bản quyền, cụ thể như tác giả Xuyên Lâm “tố” kịch bản Nợ sữa do anh chuyển thể từ truyện ngắn Hiu hiu gió bấc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bị đạo diễn trẻ Vũ Trần sử dụng trong chương trình Kịch cùng bolero nhưng không xin phép. Hay tiết mục Mình ơi - Lý son sắt của Gia Bảo trong chương trình Sao nối ngôi cũng bị nghệ sĩ Thành Lộc và sân khấu kịch Idecaf lên tiếng phản ứng vì sao chép kịch bản từ vở Tía ơi má dzìa mà không xin phép.
Không như nhiều lần trước, đa phần nhà đài đẩy quả bóng trách nhiệm cho đơn vị sản xuất và nghệ sĩ tìm cách thỏa thuận với bên bị vi phạm, lần này nhà sản xuất phim Lô tô tỏ ra kiên quyết không thỏa hiệp khi chính thức gửi công văn cho nhà đài yêu cầu trả lời về vụ việc. Phía nhà sản xuất phim Lô tô cũng khẳng định, nếu đài truyền hình không có hướng giải quyết thỏa đáng họ sẽ đưa vụ việc ra tòa. “Quan điểm của chúng tôi cho rằng, đài truyền hình khi phát sóng một chương trình sẽ phải chịu trách nhiệm cuối cùng về tất cả những gì liên quan đến chương trình ấy, về cả yếu tố chính trị, tính thẩm mỹ, giá trị nhân văn lẫn các khía cạnh pháp lý liên quan… Chính vì vậy, chúng tôi cần sự phản hồi có trách nhiệm, minh bạch từ phía đài truyền hình về vấn đề này”, đại diện nhà sản xuất phim Lô tô tỏ ra gay gắt.
Ở đây, có thể thấy phản ứng của nhà sản xuất phim Lô tô là hoàn toàn chính đáng. Đài truyền hình là đơn vị kiểm soát sóng, chịu trách nhiệm chính trị và pháp lý về tất cả những gì phát sóng trên kênh truyền hình của mình, thì phải kiểm tra chặt chẽ nội dung để phát sóng, kể cả vấn đề bản quyền. Chưa kể, đã liên quan đến bản quyền thì không thể chỉ dựa vào những thỏa thuận miệng mà bắt buộc phải có biên bản, công văn thể hiện ý chí của bên cho phép.
Đã đến lúc nên gọi đúng tên trách nhiệm của đài truyền hình trong những lùm xùm như thế này. Nhà đài không thể vin vào lý do “khi ký hợp đồng với các đối tác sản xuất, đài có điều khoản là bên sản xuất phải chịu trách nhiệm về bản quyền” để phớt lờ và đứng bên lề trách nhiệm. Việc gọi tên trách nhiệm của các đài truyền hình, ngoài việc hướng đến một hoạt động nghề nghiệp lành mạnh, tôn trọng luật pháp cũng sẽ buộc các đài truyền hình có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, nhất là với các chương trình giải trí. Không thể để tình trạng thả nổi trách nhiệm như hiện nay khiến tình trạng “rác” ngập tràn trên sóng truyền hình mà dư luận liên tục bức xúc thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất.