Đồng thời, UBND TPHCM giao Sở Công thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông Vận tải, Tài chính, Công an TP và UBND các quận huyện khẩn trương kiểm tra, rà soát nhằm phân loại rõ ràng, cụ thể tất cả cửa hàng kinh doanh xăng dầu (542 cửa hàng), đề xuất trình UBND TPHCM phương án xử lý.
Trong thời gian chờ ý kiến các bộ ngành, Sở Công thương kiến nghị TP giao sở này phối hợp với các sở ngành, quận huyện tiếp tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho 323 cửa hàng đang hoạt động tạm cho đến khi Nhà nước thực hiện đầu tư theo quy hoạch hoặc có chủ trương giao chủ đầu tư thực hiện.
Theo thống kê, TPHCM có 542 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động. Trong đó, 219 cửa hàng xăng dầu đảm bảo các điều kiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, được Sở Công thương cấp GCN đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu có thời hạn 5 năm, chiếm tỷ lệ 40,2%.
323 cửa hàng xăng dầu (tồn tại có yếu tố lịch sử từ trước năm 2007) đã sửa chữa, nâng cấp xây dựng lại đảm bảo điều kiện theo quy định của UBND TP và được Sở Công thương cấp GCN đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu có thời hạn 1 năm, chiếm tỷ lệ 59,5%.
Theo Sở Công thương, để xóa bỏ các cửa hàng xăng dầu hiện hữu, tồn tại hoạt động từ ngày 16-3-2007 trở về trước trên địa bàn TP (hiện vẫn còn hiệu lực), theo quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định 39/2007 của UBND TP là không khả thi vì không còn quỹ đất đầu tư xây dựng, phát triển mới cửa hàng xăng dầu để thay thế các cửa hàng hiện hữu do vướng quy hoạch, vi phạm lộ giới, tuyến metro, hạ tầng giao thông...
Đồng thời, việc giải tỏa cùng lúc số lượng lớn cửa hàng xăng dầu chủ yếu trong khu vực nội đô và các quận ven ngoại thành sẽ làm mất cân đối cung - cầu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và không đủ nguồn cung cấp xăng dầu cho người dân.