Tuy nhiên, theo Sở Văn hóa và Thể thao, có một thực tế là các cơ sở kinh doanh thường xuyên đối phó tinh vi với các lực lượng kiểm tra, nên việc phát hiện quả tang các hành vi vi phạm rất khó khăn. Vì thế trường hợp kiểm tra một lần chưa phát hiện vi phạm thì rất khó để kiểm tra lần hai nếu không phát hiện vi phạm vì sẽ vi phạm Chỉ thị số 20. Điều này dẫn tới hạn chế của công tác kiểm tra, ngăn chặn đối với các cơ sở kinh doanh tiềm ẩn tệ nạn xã hội.
Một thực tế khác là đối với các cơ sở kinh doanh lĩnh vực văn hóa tiềm ẩn tệ nạn xã hội hoạt động biến tướng, thường xuyên thay đổi địa điểm kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nên việc lập kế hoạch kiểm tra hàng năm với đối tượng, địa chỉ cụ thể sẽ không có hiệu quả trong công tác kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực này.
Do vậy, Sở Văn hóa và Thể thao kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đối với lĩnh vực văn hóa xã hội, nhất là các cơ sở kinh doanh tiềm ẩn tệ nạn về khiêu dâm, kích dục, mại dâm, ma túy, cờ bạc làm bức xúc trong nhân dân thì không nên lập danh sách đối tượng kiểm tra cụ thể từ đầu năm, công khai để các lực lượng kiểm tra xử lý chồng chéo, trùng lắp, nhằm để giữ bí mật trong công tác đấu tranh, triệt phá, ngăn chặn hành vi vi phạm.