Sáng nay, 27-7, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, liên quan đến một vấn đề mấu chốt, đồng thời cũng là một trong những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật là cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã quy định cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được áp dụng cho tất cả các dự án PPP, bảo đảm tính công khai, minh bạch và sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP.
“Về căn cứ, điều kiện áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng”, người đứng đầu Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.
Cụ thể, nhà đầu tư dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Các bên thỏa thuận mức doanh thu cam kết, nhưng không cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính. Ngược lại, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết. Các bên thỏa thuận mức doanh thu cam kết, nhưng không cao hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính. Điều này có nghĩa là nếu mức doanh thu chỉ đạt 75% thì nhà đầu tư phải chấp nhận, nếu thấp xuống đến 70% thì Nhà nước sẽ chia sẻ một nửa của mức hụt 5%, tương đương 2,5% mức giảm doanh thu. Tương tự, nếu doanh thu thực tế cao hơn, nhưng chưa quá 125% mức doanh thu trong phương án tài chính thì nhà đầu tư được hưởng trọn vẹn. Phần cao hơn mức này được chia 50:50 giữa Nhà nước với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ quy định tại khoản 2 Điều 83 dự thảo Luật. Đó là: dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu cam kết tại hợp đồng và đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP nhưng vẫn chưa bảo đảm được 75% mức doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cơ chế, chính sách pháp luật đối với hình thức đầu tư PPP vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công, nhưng đồng thời cũng phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Bên cạnh đó, để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, pháp luật về kiểm toán, dự thảo đã quy định kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP; kiểm toán việc sử dụng vốn Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có); kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP. Khi chuyển giao cho Nhà nước, cần thiết phải thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.
Hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP cũng đã được đề cập khá cụ thể tại dự thảo Luật.