Cụ thể, theo cơ quan kiểm toán, suất đầu tư các dự án đầu tư đường cao tốc giai đoạn 2017 - 2020, cụ thể dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (hình thức đầu tư công) là dự án tương tự về loại, cấp, quy mô công trình, thì có tổng mức đầu tư (bao gồm GPMB) là 10.854 tỷ đồng/101km (tương đương 107,5 tỷ đồng/km).
Dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 9.620,2 tỷ đồng/78,5km (tương đương 122,6 tỷ đồng/km) và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là 12.577 tỷ đồng/100km (tương đương 125,77 tỷ đồng/km).
Trên cơ sở tổng mức đầu tư đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ trước đó, KTNN tính toán tổng mức đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là 130.605 tỷ đồng, giảm 16.330 tỷ đồng so với tờ trình của Chính phủ, tức bình quân 152,9 tỷ đồng/km không bao gồm GPMB.
Về vấn đề này, Bộ GTVT vừa có báo cáo giải trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, sơ bộ tổng mức đầu tư trong bước nghiên cứu tiền khả thi là cơ sở để ước tính chi phí đầu tư xây dựng, xây dựng kế hoạch vốn. Tổng mức đầu tư được phê duyệt trong bước nghiên cứu khả thi làm cơ sở để bố trí vốn. Tùy thuộc vào từng giai đoạn, quy định về mức độ chính xác đối với tổng mức đầu tư cũng khác nhau, nên việc so sánh giữa bước nghiên cứu tiền khả thi so với bước nghiên cứu khả thi cũng chỉ mang tính chất tương đối. Sơ bộ tổng mức đầu tư bước nghiên cứu tiền khả thi được xác định để bảo đảm tổng mức đầu tư bước nghiên cứu khả thi không bị vượt, không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật.
Ký Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, “Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án được xác định theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, đáp ứng độ tin cậy trong bước nghiên cứu tiền khả thi”.
Cũng theo Bộ này, suất đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 từ 2017 – 2020 của 4 dự án thành phần đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) bình quân là 190 tỷ đồng/km.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 2021 - 2025, 10 dự án thành phần trên đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang có suất đầu tư bình quân 194 tỷ đồng/km; đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ có suất đầu tư bình quân 210 tỷ đồng/km; đoạn Cần Thơ - Cà Mau có suất đầu tư bình quân 253 tỷ đồng/km.
Đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ và Cần Thơ - Cà Mau có đặc điểm địa chất tương đồng; tuy nhiên số lượng các cầu trên đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ chỉ chiếm 4,4% chiều dài, thấp hơn nhiều so với 9,2% chiều dài tuyến trên đoạn Cần Thơ - Cà Mau, nên suất đầu tư thấp hơn, báo cáo nêu.
Để đảm bảo tiến độ dự án giai đoạn 2, Chính phủ dự kiến chuẩn bị dự án năm 2021 - 2022; thiết kế kỹ thuật, dự toán và thực hiện GPMB, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.