Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ hơn 40 vụ việc phát hiện có dấu hiệu vi phạm cho cơ quan điều tra

Ngày 2-7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) họp báo công bố “Báo cáo tổng hợp Kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN năm 2022”.

Tại buổi họp báo, đại diện KTNN đã công khai kết quả tổng hợp chính từ 248 báo cáo kiểm toán (BCKT) của 135 nhiệm vụ kiểm toán tổ chức trong năm 2023 như đối với niên độ ngân sách năm 2022; tình hình thu - chi và quyết toán ngân sách Nhà nước.

Cùng với việc chỉ ra những bất cập, hạn chế trong cơ chế, chính sách, KTNN cũng đưa ra những kiến nghị kiểm toán quan trọng nhằm chấn chỉnh, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

hop bao 1_20240702122148.jpg
Họp báo KTNN ngày 2-7

Đáng chú ý, tại cuộc họp báo, Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung, người phát ngôn của KTNN cho biết, thời gian qua cơ quan KTNN đã chuyển hơn 40 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra để xử lý. Trong số đó, đến nay, các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc. Trong số 35 vụ việc đã xử lý, có 14 vụ việc đã khởi tố để điều tra và 21 vụ việc đang có ý kiến để điều tra, đợi kết quả giám định.

Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung nhận xét, trong quá trình phối hợp với các cơ quan điều tra, KTNN nhận được sự phối hợp tích cực kịp thời từ phía cơ quan điều tra. Tuy nhiên, nhiều vụ việc cần điều tra, xác minh, nên việc xử lý chưa thể dứt điểm ngay. Trong thời gian tới, KTNN sẽ có văn bản để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan điều tra cũng như sẽ có quy trình xử lý riêng.

Một vấn đề cũng được báo chí nêu ra trong cuộc họp báo là về kiểm toán tình trạng sử dụng xe ô tô công tại các cơ quan Nhà nước. Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của KTNN cho biết, đến nay cơ bản việc kiểm toán tài sản xe công tại các cơ quan Nhà nước đã hoàn tất, song vẫn có những vướng mắc chưa thể giải quyết. Theo đó, tình trạng dư thừa xe công tại các cơ quan Nhà nước chủ yếu là xe đã cũ hoặc hư hỏng, rất khó thanh lý, nên việc bán thanh lý cũng gặp khó khăn.

“Tôi lấy ví dụ như Bộ Công thương, sau khi kiểm toán thừa ra 109 xe ô tô công, nhưng trong đó có đến 93 xe đã hư hỏng nặng, rất khó bán thanh lý theo diện tài sản công. Hay như quận Nam Từ Liêm của TP Hà Nội, sau khi kiểm toán thì thừa ra 3 xe ô tô công, hiện cũng đã được phê duyệt cho bán thanh lý, song đến nay vẫn không thực hiện được vì bán không ai mua”, ông Tuấn chia sẻ.

Cũng liên quan đến kiểm toán tài sản công, theo đại diện KTNN, năm 2025, KTNN sẽ tập trung vào kiểm toán sâu về quá trình sắp xếp và quản lý quỹ đất công tại các cơ quan Nhà nước.

Tại cuộc họp báo, nhiều ý kiến đánh giá, việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN được quan tâm và thực hiện định kỳ đã tạo được dư luận tốt cả trong và ngoài nước; góp phần quan trọng trong việc cung cấp các thông tin giúp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhất là các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán được công khai đã tạo niềm tin ngày càng cao của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đối với hoạt động kiểm toán của KTNN.

Tin cùng chuyên mục