Tổng hợp kết quả kiểm toán của 235 báo cáo kiểm toán trong năm 2020 đối với niên độ ngân sách năm 2019, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính 61.761 tỷ đồng, trong đó, tăng thu 5.103 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) 13.247 tỷ đồng; chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan kiểm toán cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 205 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí.
Đây là những nội dung được nêu trong Báo cáo đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh ký gửi đại biểu Quốc hội để phục vụ cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV.
Trong đó, kết quả kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT cho thấy, ngoài các hạn chế, sai sót chung trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT tiếp tục bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, phương án tài chính xác định thời gian thu phí hoàn vốn còn một số chỉ tiêu chưa được cập nhật để phù hợp với thực tế phát sinh định kỳ theo quy định; một số yếu tố trong phương án tài chính đã thay đổi trong quá trình thực hiện dự án song nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa điều chỉnh hợp đồng BOT; chưa quy định nguyên tắc và điều kiện điều chỉnh lãi suất vốn vay trong phương án tài chính; dự án xuất hiện nhiều yếu tố thay đổi ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án nhưng các bên chưa xem xét kịp thời trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh dự án theo quy định. Một số trường hợp dự án đưa vào vận hành nhưng các bên chưa thỏa thuận dự toán chi phí quản lý thu phí làm cơ sở thực hiện, chậm lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng...
Kết quả kiểm toán kiến nghị xử lý 1.128,46 tỷ đồng, có 1 dự án BOT thời gian thu phí hoàn vốn sau khi cập nhật lại kết quả kiểm toán giảm 23 tháng so với phương án ban đầu.
Đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, các lỗi cơ bản gồm: việc lập và phê duyệt TMĐT chưa chính xác, không kịp thời cập nhật chỉ số giá để tính lại chi phí dự phòng làm tăng tổng mức đầu tư. Nhà đầu tư góp vốn không đủ theo hợp đồng BT; phương án tài chính điều chỉnh được phê duyệt có một số chi phí là tạm tính, một số chi phí chưa được cập nhật chính xác.
Trong khi đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xây dựng chi tiết kế hoạch giám sát dự án, thiếu sự kiểm tra giám sát việc bỏ vốn và huy động vốn của nhà đầu tư, ký phụ lục hợp đồng BT chưa phù hợp thẩm quyền; ủy quyền ký hợp đồng BT đối với dự án đầu tư thuộc nhóm A không phù hợp quy định; ký hợp đồng bảo hiểm trong đó loại trừ trách nhiệm bảo hiểm một số trường hợp không đúng quy định...
Kết quả kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính 1.801,86 tỷ đồng. Trong 10 dự án BT được kiểm toán có 1 dự án kiểm toán có tỷ lệ xử lý trên 49% giá trị được kiểm toán, 1 dự án có tỷ lệ xử lý trên 20% giá trị được kiểm toán.