Kiểm toán không chỉ để nhằm phát hiện sai phạm

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính nhà nước; quản lý, sử dụng có hiệu quả tài chính, tài sản công. Kết quả kiểm toán giúp Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm.

Theo báo cáo của KTNN gửi đến đại biểu Quốc hội, từ năm 2019-2023, KTNN đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán, đã kiến nghị trên 331.000 tỷ đồng (gồm tăng thu ngân sách nhà nước trên 30.500 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước hơn 96.000 tỷ đồng...). KTNN đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét, xử lý.

Hoạt động của KTNN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đã cung cấp những thông tin xác thực, chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập, sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị; có kiến nghị góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật. Kết quả thực hiện kiến nghị của KTNN tăng liên tục qua từng năm, thu nộp về ngân sách nhà nước với số tiền khá lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực kiểm toán vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Việc phát hiện hành vi tham nhũng còn khó khăn; kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; còn có kiểm toán viên vi phạm quy chế làm việc, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Còn khá nhiều các kiến nghị của kiểm toán chưa được thực hiện kéo dài qua nhiều năm. Trong đó, kiến nghị tài chính đến ngày 31-12-2023 còn 67.513 tỷ đồng chưa được thực hiện; kiến nghị về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách còn 172 nội dung văn bản chưa được sửa đổi; kiến nghị về trách nhiệm tập thể, cá nhân còn 115 báo cáo kiểm toán có kiến nghị chưa được thực hiện.

Hôm qua, Tổng KTNN lần đầu tiên trả lời chất vấn của Quốc hội. Qua chất vấn cho thấy, đại biểu Quốc hội quan tâm về việc vừa qua, tại một số dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó, cơ quan chức năng vẫn phát hiện các sai phạm. Kế hoạch kiểm toán thường có từ đầu năm, nhưng quan trọng hơn trong kế hoạch này là cần phải dự báo được những đơn vị có khả năng không thực hiện đúng quy định pháp luật để đưa vào danh mục kiểm toán hàng năm một cách chuẩn xác hơn, đó chính là vai trò của kiểm toán để giúp ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng xảy ra. Cùng với đó, kiểm toán cũng cần kịp thời phát hiện, xử lý những đơn vị sử dụng tài sản công, tài chính công không đúng quy định. Do đó, tính dự báo của kiểm toán cần được tăng lên; đồng thời, sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm toán - thanh tra - điều tra cũng cần phải chặt chẽ hơn để kịp thời ngăn chặn sai phạm.

Qua chất vấn Tổng KTNN, chúng ta đều mong thời gian tới, KTNN sẽ chủ động đề ra kế hoạch kiểm toán có dự báo những đơn vị có thể xảy ra những vi phạm; có sự cảnh báo, có biện pháp đối với những đơn vị làm ăn thiếu hiệu quả, vi phạm pháp luật... Cần quan điểm rộng ra rằng, kiểm toán không chỉ để nhằm phát hiện sai phạm, đề phòng bất trắc có thể xảy ra, mà kiểm toán còn là để cổ vũ, phát huy những đơn vị làm tốt.

Cùng với đó, KTNN cần luôn chú trọng “làm sạch” nội bộ của ngành để tăng hiệu lực, hiệu quả công vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện, thực thi công vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, kiên quyết loại bỏ những “con sâu” tiêu cực, tham nhũng trong ngành. Bên cạnh đó, những dấu hiệu mà kiểm toán phát hiện được thì cần kịp thời gửi đến cơ quan điều tra để xử lý. Những giải pháp như vậy sẽ giúp cho ngành kiểm toán phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tốt hơn, đúng với giá trị cốt lõi của ngành, đó là: độc lập, liêm chính, uy tín, chất lượng.

Tin cùng chuyên mục