Đề nghị kiểm toán hoạt động thu, chi ngân sách và sử dụng tài sản công
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) và các ĐB đều đồng tình với quan điểm sửa đổi luật lần này là nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm toán trong việc kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản công. Qua báo cáo kiểm toán hàng năm thì hầu như cuộc kiểm toán nào cũng phát hiện ra sai phạm và kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhiều tỷ đồng. Nếu tăng cường cho công tác kiểm toán thì sẽ có được nguồn kinh tế, nguồn tiền là rất lớn.
Mặt khác, đề nghị phải quy định KTNN có trách nhiệm kiểm toán tất cả các hoạt động có liên quan đến thu, chi ngân sách và sử dụng tài sản công chứ không chỉ kiểm toán lựa chọn, kiểm toán mẫu, hoặc là phải để cho bộ trưởng gửi văn bản yêu cầu thì mới thực hiện kiểm toán. Đồng thời, phải quy định trách nhiệm kiểm toán là phải lần theo dấu vết của dòng tiền ngân sách để xem việc sử dụng dòng tiền đó đúng mục đích và có thất thoát hay không. Không chỉ những đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách mà những đơn vị có liên quan đến việc thu, chi ngân sách và sử dụng tài sản công thì đều là đối tượng chịu sự kiểm toán.
Quy định trong dự thảo luật sửa đổi về “thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước có quyền truy cập vào dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và dữ liệu điện tử quốc gia; yêu cầu đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan cùng truy cập phần mềm ứng dụng của đơn vị để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán” nhận được nhiều ý kiến đóng góp của ĐBQH.
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) và một số ĐB đề nghị cần cân nhắc thêm quy định này, bởi “với quy định này thì quyền riêng tư, thông tin bí mật cá nhân được pháp luật bảo vệ như thế nào”.
Về vấn đề này, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng, đây là yêu cầu hết sức cần thiết. “Chúng tôi có xu hướng kiểm toán viên nhà nước không cần xuống đơn vị, để tránh tiếp xúc giữa kiểm toán viên và đối tượng được kiểm toán. Vấn đề bí mật nhà nước và truy cập, kiểm tra số liệu, chúng tôi sẽ thực hiện theo quy định”, Tổng KTNN giải trình lại.
Cần quy định thời hạn công khai báo cáo kiểm toán
Với quy định về mức phạt tiền tối đa và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN cũng được ĐB Đàng Thị Mỹ Hương, ĐB Tống Thanh Bình (Lai Châu) đặt câu hỏi: liệu có quá chức năng nhiệm vụ hay không, liệu có phù hợp với xử lý vi phạm hành chính hay không?
Giải trình về vấn đề này, Tổng KTNN cho rằng, KTNN không xử phạt hành chính các công chức, viên chức, mà những đơn vị có liên quan khi kiểm toán nếu có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán ngoài Luật Công chức, viên chức thì xử phạt hành chính.
“Chúng tôi chỉ phạt hành vi cản trở và chống đối. Các quốc gia trên thế giới đều có quy định về vấn đề này, thậm chí tại Hàn Quốc còn phạt tù lên đến 6 tháng”, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) quan tâm đến thời hạn công khai báo cáo kiểm toán. Theo ĐB này, Luật Phòng chống tham nhũng 2018 đã sửa đổi theo hướng chỉ quy định chung về trách nhiệm công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, còn các nội dung công khai, minh bạch trong từng đơn vị sẽ do các luật chuyên ngành quy định. Vì vậy, ngành KTNN cần quy định cụ thể vấn đề này.
“Dự thảo luật đã quy định công khai báo cáo kiểm toán, nhưng không quy định thời hạn phải công khai, do đó giảm ý nghĩa, thậm chí vô hiệu hóa quy định công khai, vì vậy cần bổ sung thời hạn công khai trong báo cáo được ký ban hành”, ĐB Nguyễn Mạnh Cường nói. Ông cũng đề xuất bổ sung quy định Tổng KTNN có trách nhiệm quy định quy tắc ứng xử và việc chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn trong KTNN.
ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) và một số ĐB cho rằng, cần thành lập một cơ quan đặc biệt để tổ chức giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến các kết luận kiểm toán. Cơ quan này sẽ thuộc Quốc hội, thành viên gồm Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội…
Quốc hội giao Chính phủ phân bổ nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn Ngày 7-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến ĐBQH bằng hệ thống điện tử về thẩm quyền quyết định danh mục các dự án sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Kết quả, có 299/439 ĐBQH biểu quyết tán thành với phương án giao thẩm quyền cho Chính phủ phân bổ nguồn vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Chính phủ sẽ rà soát lại danh mục đầu tư, thủ tục đầu tư, giao vốn bổ sung cho các bộ, ngành, địa phương trên nguyên tắc bảo đảm cân đối được nguồn vốn ngân sách hàng năm, phải bố trí được trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 từ điều chỉnh nguồn vốn giữa các dự án theo thẩm quyền. Riêng đối với các dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo Quốc hội từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi nếu có, đảm bảo việc quản lý, sử dụng vốn hiệu quả theo quy định. Một nội dung khác cũng được Quốc hội lấy ý kiến với 53,31% số ĐBQH đồng ý bổ sung quy định về Văn phòng Kiến trúc sư trong dự thảo Luật Kiến trúc vì sẽ tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho các cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề kiến trúc, hành nghề hoạt động, thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển nghề nghiệp, tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác, hội nhập với các nước trong hoạt động kiến trúc khi nhiều nước đã có hình thức văn phòng kiến trúc sư. |