Tu Mơ Rông là huyện nghèo của tỉnh Kon Tum, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 95%. Những năm qua, người dân đã chuyển hướng sang trồng, mua bán cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy, sơn tra…, nhờ đó nhiều người đã kiếm tiền tỷ. Đến xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, chúng tôi bắt gặp anh A Ly (thôn Ngọc La) đang chuẩn bị đồ đạc để lên rẫy chăm sóc vườn sâm dây.
Trò chuyện, anh A Ly vui mừng cho biết, gia đình anh đang trồng 4.000 cây sâm Ngọc Linh và 3ha sâm dây. Những loại cây dược liệu này hiện đã cho thu hoạch lá, củ và hạt. Ước tính, năm 2022, việc bán sản phẩm dược liệu và tiền công được trả khi liên kết trồng sâm cho doanh nghiệp đã giúp gia đình anh A Ly thu được hơn 1 tỷ đồng.
“Hồi trước, gia đình tôi trồng mì, lúa, thu nhập không cao, đời sống mưu sinh khó khăn. Đến năm 2014, thấy sâm Ngọc Linh có giá trị, tôi mạnh dạn bán tài sản trong nhà để mua cây giống đầu tư. Để trồng sâm hiệu quả, tôi tìm gặp các chuyên gia có kinh nghiệm học hỏi kỹ thuật. Dần dà, sâm cho hạt thì tôi lấy ươm rồi mở rộng diện tích sâm dưới tán rừng. Những diện tích trồng mì kém hiệu quả, gia đình cũng chuyển sang trồng sâm dây. Nhờ đầu tư bài bản nên cây sâm Ngọc Linh phát triển tốt. Loại cây này hiện đa phần tôi chỉ thu hạt để ươm và bán giống. Sau này cây lớn, hạt sẽ cho nhiều hơn, vườn sâm sẽ được mở rộng, củ cũng sẽ được xuất bán. Khi ấy, thu nhập của gia đình sẽ còn cao hơn nữa”, anh A Ly chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND xã Măng Ri Dương Đình Chung, thời gian qua có nhiều hộ vươn lên khấm khá nhờ trồng dược liệu. Trong đó, A Ly là gương điển hình vươn lên làm giàu, là người dẫn dắt bà con trồng sâm Ngọc Linh.
“Hiện xã có gần 10 hộ thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ cây dược liệu. Họ là tấm gương đi đầu cho việc vượt khó làm giàu. Xã thường lấy những nhân vật làm kinh tế giỏi này để làm gương cho người dân học hỏi”, ông Dương Đình Chung hồ hởi nói.
Xuôi về xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, ông A Đe, Chủ tịch UBND xã cho biết, người dân trên địa bàn trồng cây dược liệu từ năm 2004 nhưng quy mô nhỏ lẻ. Năm 2008, bà con mới mạnh dạn mở rộng đầu tư. Đến nay, đã có 395/455 hộ trồng cây dược liệu như đảng sâm, sơn tra, sâm Ngọc Linh với diện tích khoảng 215ha. Đã có người vươn lên làm giàu nhờ trồng dược liệu, trong số đó có anh A Hải (thôn Đắk Viên). Năm 2022, tổng thu nhập của gia đình anh A Hải lên tới cả tỷ đồng, đa phần liên quan đến trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây và buôn bán sản phẩm dược liệu.
Nhờ trồng cây dược liệu nên anh A Hải (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã vươn lên làm giàu |
Nói về việc làm giàu, anh A Hải cho biết: “Tôi sống ở vùng đất này nên biết Tê Xăng thích hợp trồng cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây. Vì biết nên tôi đã đầu tư 2 loại cây này. Nhờ đầu tư đúng hướng nên thu được nhiều tiền. Tới đây, gia đình sẽ tiếp tục ươm hạt sâm Ngọc Linh để mở rộng diện tích sâm”.
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, chỉ tính riêng 3 xã chuyên trồng dược liệu như Ngọc Lây, Măng Ri, Tê Xăng, năm 2022, có 67 hộ đồng bào được xếp vào diện nông dân tiêu biểu. Những người này có thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 10 tỷ đồng. Trong đó, số người có thu nhập tiền tỷ trở lên nhờ trồng dược liệu ước đạt khoảng 20 hộ. Điểm chung của những hộ này là nhanh nhạy trong việc nhận ra giá trị của cây dược liệu để từ đó mạnh dạn đầu tư.
Tu Mơ Rông có hơn 2.930ha cây dược liệu
Ông Dương Thái Khoa, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tu Mơ Rông, cho biết, 11 xã trên địa bàn huyện đều có thể trồng cây dược liệu. Đến nay, huyện đã phát triển được khoảng 15 loại cây dược liệu với diện tích khoảng 2.937ha. Trong đó, sâm Ngọc Linh là 1.715ha, còn lại là các cây dược liệu khác.