Khó gầy dựng, dễ đào thải
Hai anh em Lê Xuân Lộc (24 tuổi) và Lê Minh Trà My (18 tuổi) cùng bố bắt đầu tìm tòi xây kênh TikTok để quảng bá cho khu nghỉ dưỡng nhỏ của cả nhà tại vùng ven Hà Nội. Anh Lộc kể lại những ngày loay hoay bắt đầu làm kênh: “Ba bố con miệt mài đầu tư. Chỉ một tuần là có clip lên xu hướng, nhưng người xem không quan tâm tới khu nghỉ dưỡng mà chỉ quan tâm đến cách bố dạy con, một khía cạnh rất nhỏ trong các clip, thế là phải đổi định hướng. Khó ở chỗ không có tài liệu nào dạy phải làm sao, cả nhà cùng mò mẫm, mỗi người một ý, nhiều khi chí chóe nhau. Giai đoạn đó không biết mình đang quay đang dựng cái gì”. Mãi đến tháng thứ 8, ba bố con mới có nhãn hàng đầu tiên đặt quảng cáo (booking). Tới nay, đã có thành công sau 13 tháng nỗ lực, ê kíp thực hiện kênh có thêm 5 bạn chuyên nghiệp hỗ trợ quay dựng, nhận quảng cáo, marketing…, 2 anh em vẫn phải dành hơn 12 tiếng mỗi ngày quay clip và lên chiến lược để nội dung kênh hấp dẫn nhất.
Không có lộ trình chung nào để xây dựng một kênh thành công, đem lại thu nhập. Khó ở chỗ, bản thân từng bước đều có nhiều yếu tố “níu chân” người làm nội dung không thể bước tới sự phát triển tiếp theo: lượt xem có thể mãi dừng ở 200-300 lượt/clip trong nhiều năm; bí ý tưởng, thay đổi định hướng so với ban đầu và phải xây lại kênh mới (kênh cần đồng nhất nội dung để dễ lên xu hướng); bị tấn công nếu có nội dung dễ gây tranh cãi và phải xử lý khủng hoảng truyền thông…
Sự đào thải, “lên nhanh mà xuống cũng nhanh” cũng xảy ra tương tự với mảng livestream bán hàng. TikTok đang đầu tư mạnh vào các phiên Megalive (bán nhiều mặt hàng cùng lúc, đầu tư âm thanh ánh sáng chuyên nghiệp, mã giảm giá lên đến vài trăm ngàn đồng/đơn hàng, được chạy quảng cáo rầm rộ, được dẫn dắt bởi những TikToker có thâm niên livestream xuất sắc), nên những cá nhân khác muốn bán hàng dưới hình thức này cần rất nổi bật để có thể cạnh tranh.
Phải sẵn đường lui cho mình
Sau gần 1 năm liên tục học hỏi về cách TikTok vận hành, 2 anh em Lộc và My chuyển sang dịch vụ hỗ trợ các nhãn hàng thời trang livestream. Cả hai đầu tư phông bạt, máy móc, trang thiết bị, đội ngũ quay dựng chuyên nghiệp và Trà My làm người mẫu. Mọi thứ sẵn sàng, nhưng việc diện đồ đẹp lên livestream cũng không đơn giản.
Trà My nói: “Nhãn hàng nhiều khi gửi một lần 20-30kg quần áo, đủ các kiểu các màu. Một phiên live em đứng trên giày cao gót, thay quần áo, tạo dáng, nói liên tục 4-6 tiếng. Đây là một nghề nghiêm túc, đem lại thu nhập cho cả nhà nên em đã đầu tư rất nhiều từ việc học trang điểm, tạo dáng, học cách ăn nói, cả cách thở để có thể nói và “trụ” suốt nhiều tiếng đồng hồ. Đó là còn chưa kể còn phải luyện tác phong của mình cho thanh lịch, nhã nhặn trả lời các tình huống người xem bình luận. Thậm chí em tự học cả cách tạo mối quan hệ, ứng xử sao cho chuyên nghiệp với các nhãn hàng khi phiên live có vấn đề gì ngoài ý muốn không vừa lòng họ”.
Chị Phạm Thu Hường (32 tuổi, ngụ TPHCM) có 8 năm hoạt động chuyên nghiệp trên các nền tảng YouTube và TikTok, thừa nhận cuộc chơi này không dễ dàng. Chị Hường kể lại: “Khi đã có sự tương tác cao, ổn định trên kênh chuyên kể về cuộc sống mẹ bỉm sữa, tôi thử lấn sân sang mảng livestream bán hàng. Phiên live đầu tiên của tôi (khi đã có một lượng người theo dõi khá cao) kết thúc với… 16 hộp khô gà được bán ra. Tôi rút kinh nghiệm, khả năng của mình mạnh ở kể chuyện bằng clip nhưng khi sang livestream phải đầu tư và học hỏi lại từ số không”.
Nhận tin nhắn của các bạn sinh viên, người trẻ muốn bỏ ngang việc học, việc làm để xây kênh kiếm sống, chị Hường nhắc nhở: “Không có gì sai nếu bạn dấn thân vào TikTok và mong muốn kiếm tiền từ đó, nhưng phải trên tinh thần đây là con đường rất khó và rất mới, không biết mình sẽ đối mặt với điều gì, chứ không phải là một lối thoát “màu hồng”. Muốn thành công, bạn phải tự thân mày mò nền tảng này và chấp nhận thất bại, thất vọng. Bạn nên cân nhắc kỹ và chừa đường lui cho mình trong trường hợp cố gắng 1 năm, 2 năm, thậm chí 5 năm mà không có kết quả”.
Trên thực tế, rất ít TikToker đủ điều kiện vật chất và đủ “đa năng” để hoạt động tự do thành công. Hầu hết sẽ phải đầu quân vào các công ty quản lý với chi phí có thể lên đến hơn nửa tỷ đồng. Những công ty này có sẵn các thiết bị âm thanh, ánh sáng, đội ngũ viết kịch bản, tư vấn các chiêu trò, đứng ra tìm quảng cáo… Doanh thu của các hoạt động quảng cáo sẽ được chia theo tỷ lệ thỏa thuận trước nhưng chủ yếu là thuộc về công ty.