Trục lợi tình thương
Một tuần trước, mạng xã hội lan truyền clip một phụ nữ cầu cứu trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Trong clip, người này vừa khóc vừa kể câu chuyện thương tâm đưa con đi khám bệnh nhưng bị dàn cảnh móc túi lấy mất 9,5 triệu đồng. Nhiều người động lòng thương cảm, tìm cách liên lạc và hỗ trợ tiền cho hai mẹ con. Tổng số tiền người phụ nữ nhận được là 28 triệu đồng.

Tuy nhiên, kết quả xác minh của Công an phường Bến Nghé (quận 1, TPHCM) và Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho thấy sự việc không có thật. Tại cơ quan công an, người phụ nữ (tên H.T.X., 38 tuổi) thừa nhận không có chuyện dàn cảnh móc túi như lời cầu cứu.
Không hiếm những câu chuyện bi đát “đánh” vào lòng thiện tâm của con người để lừa đảo. Vài tháng trước, mạng xã hội cũng xuất hiện clip về hoàn cảnh của một người phụ nữ đang chăm con tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo lời kể, con trai của bà bị gãy xương sống, dập tủy, sống thực vật nhưng bà không có tiền đóng viện phí. Nắm bắt sự việc, Bệnh viện Chợ Rẫy trích xuất camera và truy tìm thông tin người bệnh để hỗ trợ, tuy nhiên không có trường hợp nào như vậy.
Trước đó, một số tài khoản trên mạng xã hội tự xưng là bác sĩ hoặc sinh viên thực tập ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, kêu gọi cộng đồng giúp đỡ, chuyển tiền cho một người bệnh bị tai nạn gãy cổ, không người thân. Kèm theo bài viết là hình ảnh người bệnh, số tài khoản ngân hàng. Đại diện Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM lập tức xác minh và cảnh báo đây là thông tin giả.
Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Trần Thị Lụa (quận 5, TPHCM) từng chứng kiến một người đàn ông lớn tuổi điện thoại cho người thân than thở bị móc túi, chỉ còn 50.000 đồng về quê. Thương cảm, chị Lụa đã biếu ông 500.000 đồng làm lộ phí. Khoảng 1 tháng sau, khi tái khám, chị lại gặp người này trong hình ảnh tương tự: vừa khóc vừa điện thoại kể chuyện bị móc túi. Những người xung quanh đã giúp ông một khoản tiền để đi đường.
“Tôi cảm nhận đó là một vở kịch để khơi gợi từ tâm của con người. Một số người quen cũng gặp cảnh tương tự và trở nên đề phòng hơn khi vào bệnh viện”, chị Trần Thị Lụa tâm sự.
Tỉnh táo để làm từ thiện đúng người, đúng chỗ
Thực tế, các bệnh viện công lập luôn tiếp nhận rất đông người bệnh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, tình trạng nặng. Nhiều trường hợp cần sự hỗ trợ của cộng đồng và nhà hảo tâm để vượt qua nghịch cảnh. Lợi dụng điều này, kẻ gian đã làm giả giấy tờ, giả mạo thông tin và hình ảnh, đăng tải nhiều bài viết có hoàn cảnh thương tâm để kêu gọi hỗ trợ tiền bạc.
Theo ThS Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, chiêu trò của kẻ gian là lấy tên tuổi của một người bệnh nặng ghép vào hoàn cảnh bi thương để nhà hảo tâm thương xót, chuyển tiền giúp đỡ. Thỉnh thoảng, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một số bài viết kêu gọi từ thiện mà người bệnh không có thật hoặc xuất viện từ lâu. Khi nắm thông tin, Phòng Công tác xã hội sẽ lập tức rà soát hồ sơ trên hệ thống nội bộ và xác minh thông tin. Nhờ vậy, bệnh viện kịp thời cảnh báo đến cộng đồng về các trường hợp “ảo”, tránh để lòng tin bị lợi dụng.
“Những vụ giả mạo, lừa đảo khiến lòng tin bị bào mòn, nhà hảo tâm có thể không dám giúp đỡ nữa và người bệnh nghèo thật sự sẽ chịu thiệt thòi”, ThS Lê Minh Hiển chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Phó trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, các bệnh viện hiện đều có Phòng Công tác xã hội, là đầu mối để xác minh và hỗ trợ người bệnh nghèo. Do vậy, khi có thông tin kêu gọi giúp đỡ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, người dân nên liên hệ Phòng Công tác xã hội để xác minh trước khi quyết định chuyển tiền.
“Bên cạnh việc cảnh báo đến cộng đồng để nâng cao cảnh giác, cần có thêm biện pháp xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe với những đối tượng đăng tin giả kiếm tiền từ thiện”, bà Nguyễn Thị Thúy đề xuất.
- Công an quận 1 (TPHCM) khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội. Tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tổ chức tự phát không có danh tính rõ ràng.
- Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa cảnh báo tình trạng mạo danh bệnh viện để lừa đảo tuyển dụng. Các đối tượng lập nhóm chat qua ứng dụng Zalo, Messenger, Signal, đề nghị ứng viên làm bài thi tuyển dụng và chuyển tiền làm thủ tục vào tài khoản cá nhân hoặc công ty. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khẳng định đây là hành vi lừa đảo.
CHÍ THẠCH