Vốn ảo, lỗ ảo - lời thật
Thời gian dài vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần đề cập đến vấn đề chuyển giá ở “khâu đầu tư”, đó là hiện tượng đăng ký vốn ảo của nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, nhà đầu tư chỉ đầu tư 10 triệu USD nhưng lại khai 20 triệu USD, sau đó đưa vào khấu hao tài sản cố định thì lợi nhuận sẽ chuyển thành vốn, làm giảm thu nhập chịu thuế. “Đây là hiện tượng lỗ giả, lãi thật xảy ra rất lâu rồi. Hoạt động chống chuyển giá ở Việt Nam chỉ tập trung vào “đầu ra” là sản xuất kinh doanh, còn khâu đầu tư không được kiểm sát”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét.
Mặc dù Luật Đầu tư trước đây có quy định phải giám định tài sản ngay sau khi đầu tư xong để xác định giá trị tài sản chính thức, từ đó tính khấu hao và hạch toán thu nhập chịu thuế. Thế nhưng, thực tế triển khai quy định này lúc đó gặp rất nhiều khó khăn. Vào năm 1992 nhà nước có thuê một công ty giám định độc lập để giám định 17 dự án thì cả 17 dự án đều sai phạm, nhưng khi đưa ra xử lý về pháp lý thì xảy ra tranh cãi vô cùng phức tạp. Sau đó, Luật Đầu tư mới đã bỏ điều khoản này, thay đổi theo hướng để doanh nghiệp tự giác khai báo. Và đến giờ, hậu quả đã thấy rõ. Để khắc phục tình trạng này, Luật Đầu tư sửa đổi tới đây cần đưa vào điều khoản giám sát giá trị đầu tư thật của các doanh nghiệp FDI ngay từ đầu. Trong trường hợp cần thiết, nhà nước có thể thuê công ty chuyên ngành giám định lại tài sản đầu tư.
Ngoài ra, trước thực trạng nhiều doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đầu tư nhưng mang theo cả mạng lưới doanh nghiệp phụ trợ đi theo nên doanh nghiệp trong nước mất cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, vì nhà đầu tư nước ngoài cho rằng trình độ, năng lực của doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được yêu cầu để tham gia chuỗi của họ. Do vậy, để giúp doanh nghiệp trong nước mạnh dạn đầu tư, tham gia vào mạng lưới, nhà nước cần có chính sách định hướng, hỗ trợ cụ thể. Như trong định hướng lại thu hút FDI, bên cạnh việc chọn lọc nhà đầu tư phù hợp với điều kiện phát triển trong giai đoạn tới, nhà nước cần đưa ra một số chính sách, gắn với ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp FDI kết nối với doanh nghiệp trong nước. Chính sách rõ ràng, ưu đãi cụ thể thì mới hiệu quả, chứ không dừng lại ở việc kêu gọi, khuyến khích.
Tiêu cực, lót tay - mối lo của nhà đầu tư
Hiệu quả thực tế của doanh nghiệp FDI mang lại không chỉ là lợi ích về kinh tế, số đóng góp cho ngân sách, hay kim ngạch xuất nhập khẩu. Nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể ảo, số nộp ngân sách có thể lớn nhưng nếu gây ô nhiễm môi trường thì cũng không hiệu quả. Do vậy, phải xác định chất lượng đầu tư ở chỗ làm sao hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trở thành doanh nghiệp phụ trợ, được chuyển giao khoa học - công nghệ hiện đại, nâng cấp chất lượng hàng hóa trong nước…
Để thu hút đầu tư vào đúng mục đích chung là phát triển một nền kinh tế lành mạnh, quan trọng nhất vẫn là tạo sân chơi cạnh tranh, bình đẳng, môi trường đầu tư minh bạch. Trước tiên là cần giải thoát ngay những lo ngại về tiêu cực trong suy nghĩ của các nhà đầu tư, cũng như tính thiếu nhất quán về pháp luật. Bà Lindsey Ice, chuyên gia kinh tế tại FocusEconomic (chuyên phân tích và dự báo kinh tế cho hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm châu Mỹ, EU, châu Á và châu Phi), cho rằng trong hàng loạt thách thức của hoạt động đầu tư thì vấn đề mà các doanh nghiệp lo ngại là tình trạng mỗi cơ quan hiểu, giải thích thủ tục theo những cách khác nhau, cho dù cùng một quy định. Pháp luật luôn thay đổi cũng chính là rủi ro trong đầu tư. Nói về tiêu cực, bà Lindsey Ice cũng cho biết, các doanh nghiệp FDI chọn cách né tránh hệ thống tố tụng của Việt Nam vì lo ngại về nạn hối lộ, nên sẽ không hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp.
Do vậy, nếu nhà nước không quan tâm xử lý triệt để nạn tham nhũng thì sẽ ngăn cản các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI. Ngay cả trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là cơ hội, nhưng sẽ trở thành thách thức nếu môi trường đầu tư kinh doanh không được khuyến khích, thay đổi.