Buông lỏng dẫn đến mất kiểm soát
Thời điểm từ năm 2015-2020, xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TPHCM) có đến hàng chục cán bộ từ bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND, cán bộ, công chức bị thi hành kỷ luật, xử lý hình sự vì có liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng. Hai xã này có thể nói là điển hình của tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến mất kiểm soát về chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị từ xã xuống đến các ấp, khu dân cư.
Tương tự, ở huyện Hóc Môn, 4 xã cũng từng có nhiều sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng, gồm: Thới Tam Thôn, Đông Thạnh, Bà Điểm và Xuân Thới Thượng. Chỉ tính riêng trong vụ chuyển mục đích sử dụng đất của 1.400 hồ sơ không đúng quy định trên địa bàn các xã này đã có 58 cán bộ sai phạm bị xử lý kỷ luật. Nhiều trường hợp cán bộ tiếp tay cho đầu nậu đất đai chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở không đúng pháp luật đã bị điều tra, xử lý theo pháp luật...
Ở TP Thủ Đức (TPHCM), một loạt cán bộ sai phạm bị xử lý kỷ luật liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng, tập trung tại các phường: Hiệp Bình Chánh, Linh Đông, Tam Phú, Bình Thọ. Trong đó có năm, có đến hơn 10 cán bộ từ lãnh đạo quận Thủ Đức (cũ) đến các phòng ban chuyên môn và UBND các phường bị xử lý kỷ luật...
Theo Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp, sai phạm của cán bộ, công chức trong lĩnh vực đất đai, xây dựng và các lĩnh vực khác ở cơ sở nói chung, không riêng gì ở TP Thủ Đức, được ghi nhận chủ yếu là quan liêu, hách dịch, xa dân. Khi có quyền lực trong tay sẽ rất dễ dẫn đến quan liêu, tự mãn, không giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, không báo cáo cho cấp trên đầy đủ tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị mình và bao che sai phạm của cấp mình.
Xử lý nghiêm minh để răn đe
Tại TPHCM, trong năm 2022, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy TPHCM và UBKT các cấp đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, cấp ủy cùng cấp giám sát đối với 1.183 tổ chức đảng, 1.616 đảng viên; kiểm tra đối với 1.334 tổ chức đảng, 1.722 đảng viên. Kết quả, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 19 tổ chức đảng, 245 đảng viên. UBKT Thành ủy TPHCM và UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng, 191 đảng viên.
Trong đó, liên quan đến vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại nhà đất số 8-12 (đường Lê Duẩn, quận 1) và vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do Dương Thị Bạch Diệp cùng đồng phạm thực hiện, UBKT Thành ủy TPHCM tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng 3 đảng viên gồm: nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Phó Giám đốc Sở TN-MT và nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM.
Liên quan đến sai phạm tại Công ty CP Công nghệ Việt Á, UBKT Thành ủy TPHCM đã có quyết định kỷ luật 2 tổ chức Đảng và 5 đảng viên vi phạm trong việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 ở Bệnh viện TP Thủ Đức và Bệnh viện Quận Bình Tân. Trong đó, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng ông Nguyễn Minh Quân, Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2020-2025, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Tại huyện Bình Chánh, sau những chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu chấn chỉnh tình trạng sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng, UBND huyện Bình Chánh đã triển khai một loạt giải pháp. Trong đó có cơ chế kiểm soát cán bộ cơ sở thông qua tổ đặc nhiệm xử lý nhanh các trường hợp “nóng” qua phản ánh của người dân liên quan đến các hành vi sai phạm của cán bộ, đảng viên trên địa bàn các xã, thị trấn trong huyện.
Ông Phan Thanh Huy, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bình Chánh, cho biết, chỉ một thời gian ngắn thực hiện cơ chế kiểm soát này, tình hình thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong hệ thống Đảng, chính quyền toàn huyện thay đổi hẳn. Ngoài tổ đặc nhiệm này, huyện còn thực thi cơ chế kiểm soát thông qua Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Đây là công cụ được ông Huy cho là khá hiệu quả và có tác dụng cao trong giáo dục, phòng ngừa cán bộ, đảng viên sai phạm.
Còn tại quận 3 và một số quận huyện, thời gian qua đã triển khai cơ chế chọn cán bộ chủ chốt các phường, xã qua tuyển chọn bằng chương trình hành động của từng năm và cả nhiệm kỳ. Theo Trưởng ban Tổ chức Quận ủy quận 3 Nguyễn Đình Phát, cơ chế kiểm soát này đã có tác dụng nhất định trong đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ chủ chốt, tránh được tình trạng quan liêu, buông lỏng vai trò lãnh đạo, kiểm soát được đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp và hạn chế được tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Trong thời gian qua, Thành ủy TPHCM quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giám sát, ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, tập trung chỉ đạo phát huy vai trò của hệ thống MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân TPHCM tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM để cùng với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TPHCM lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác quốc phòng - quân sự địa phương, công tác cải cách tư pháp, công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư…
Đặc biệt, tại Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thông qua Đề án số 06 về nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam TPHCM và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TPHCM giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị số 13 về lãnh đạo thực hiện Đề án số 06. Nhận định về việc này, Th.S Trần Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cho rằng, đây là văn bản quan trọng, là cơ chế để hệ thống MTTQ Việt Nam từ thành phố đến cơ sở thực hiện có hiệu quả công tác giám sát góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí NGUYỄN VĂN NÊN, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM:
Kiểm soát quyền lực là một vấn đề lớn và TPHCM đang triển khai. Thời gian qua, trong công tác cán bộ của TPHCM đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, khâu đánh giá cán bộ, xem xét đến việc sử dụng quyền lực vì lợi ích chung, hay vì lợi ích cho cá nhân. Nếu như cán bộ vì lợi ích chung, nóng lòng làm mà dẫn đến sai sót thì xem giảm nhẹ mức độ. Ngược lại, vì lợi ích cá nhân, tư túi, động cơ thấp hèn thì phải bị xử lý nghiêm, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong công tác cán bộ thời gian qua của TPHCM đã nói lên quyết tâm chính trị theo tinh thần đó, không để chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm chi phối. Đồng thời xử lý nghiêm hành vi có liên quan đến tiêu cực, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền…
Đồng chí DƯƠNG NGỌC HẢI, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy TPHCM:
Những vụ việc, vụ án được kiểm tra, xử lý trong thời gian qua đã để lại những bài học sâu sắc cho các tổ chức đảng, đảng viên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Đảng bộ TPHCM. Bước sang năm 2023, năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM có tính bản lề và ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu đề ra, hơn lúc nào hết, công tác kiểm tra, giám sát cần phải được thực hiện quyết liệt, khẳng định vị trí, vai trò là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, là công cụ hữu hiệu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách hiệu quả.