Đó là những lý do khiến Ngân hàng Nhà nước mới đây có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm việc quản lý tín dụng với các lĩnh vực rủi ro cao như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng BĐS…
Về tín dụng BĐS, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án BĐS có quy mô lớn; cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh BĐS; thận trọng cấp tín dụng BĐS tại các địa bàn đang sốt đất, dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.
Trên thực tế, gần đây nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng đã tạm dừng giải ngân vào lĩnh vực BĐS. Những động thái của cơ quan quản lý và thực tiễn đã làm dấy lên những lo ngại về tín dụng trong lĩnh vực BĐS sẽ bị siết chặt hơn.
Theo thống kê của TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tổng dư nợ tín dụng BĐS là 2,23 triệu tỷ đồng - chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, cho vay nhà ở ước đạt 65% (1,45 triệu tỷ đồng), còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS khoảng 35% (780.000 tỷ đồng). Còn với phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tính đến hết tháng 4, các doanh nghiệp phát hành 72.000 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp BĐS là 27.000 tỷ đồng, xếp thứ nhất với tỷ lệ 37%.
Việc siết tín dụng đối với BĐS chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp khó huy động vốn do kênh trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ nhiều lỗ hổng bất cập cần điều chỉnh và hoàn thiện. Vấn đề đặt ra là, nếu đã nhìn nhận tín dụng BĐS ở một số phân khúc đối mặt nhiều rủi ro thì tại sao cơ quan quản lý không “phanh” từ sớm hơn để ngăn thị trường sốt nóng? Điều gì sẽ xảy ra nếu nghẽn dòng vốn đối với doanh nghiệp BĐS? Theo một số chuyên gia, thị trường BĐS liên quan mật thiết và ảnh hưởng qua lại đến các thị trường tín dụng, chứng khoán… Vì vậy, thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh sẽ đảm bảo sự ổn định, an toàn cho thị trường vốn và ngược lại. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích, vấn đề chúng ta đang đối mặt là thị trường BĐS phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Do đó, cần phải lành mạnh hóa mối quan hệ BĐS - tài chính, kinh tế.
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội BĐS Việt Nam, ngành BĐS đóng góp cho GDP khoảng 14%. Do đó, không thể phủ nhận, sự lan tỏa, ảnh hưởng từ ngành BĐS là rất mạnh (trên 30 ngành nghề như du lịch, tài chính, xây dựng…), dòng vốn đổ vào lĩnh vực này nhiều và tác động của ngành đến thị trường tài chính - tiền tệ là rất lớn. Chính vì vậy, việc kiểm soát tín dụng đối với thị trường BĐS một cách hợp lý là rất quan trọng và phải làm sao để doanh nghiệp không phải lo lắng, lưỡng lự khi triển khai đầu tư dự án. Đó là có chính sách kiểm soát tốt với những dự án có vấn đề, hoạt động mang tính đầu cơ, mua gom đất, thổi giá…, còn lại nên thúc đẩy, khuyến khích. Hay nói cách khác là cần phân biệt rõ hơn BĐS phục vụ nhu cầu thiết yếu và không thiết yếu để ưu tiên tập trung nguồn vốn, tránh phát triển quá nóng, gây bong bóng thị trường.