Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngành tài chính đã rất chủ động thu và quản lý dòng thuế với hoạt động TMĐT. Ngành thuế đã thu khoảng 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh trên môi trường mạng.
Bộ trưởng dẫn chứng, trong năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn đã nộp thuế như Facebook nộp 1.694 tỷ đồng, Google nộp 1.618 tỷ đồng, Microsoft nộp 576 tỷ đồng, thu thuế từ TMĐT xuyên biên giới đạt 1.317,7 tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên cơ quan thuế Việt Nam công khai con số thu thuế đối với các tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia và các giao dịch TMĐT trên nền tảng của họ. Còn nhớ, những năm 2017 - 2018, vấn đề này đã được đặt ra và từng gây ra nhiều tranh cãi. Thậm chí, khi đó có ý kiến còn lo ngại các “ông lớn” công nghệ như Google, Facebook… sẽ rút lui khỏi thị trường Việt Nam.
Trong thời đại bùng nổ của khoa học công nghệ, mà đỉnh cao là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cùng với đó là sự thuận tiện của hệ thống mạng internet, đây là nền tảng cho sự phát triển TMĐT ngày càng được mở rộng và phát triển một cách rộng rãi ở mọi quốc gia. Ở Việt Nam, dù TMĐT là hình thức phát triển tương đối mới nhưng mức độ phát triển rất nhanh chóng, nhất là từ khi xảy ra dịch Covid-19 (giao dịch TMĐT chiếm khoảng 60% hoạt động thương mại, giao dịch, giao thương - theo số liệu của Bộ Công thương).
Nhưng do là loại hình mới, nên TMĐT ở Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất cập, trong đó nổi bật nhất là khâu quản lý. Hiện Việt Nam đang thất thu những khoản thuế không nhỏ từ lĩnh vực này. Không chỉ đối với TMĐT xuyên biên giới, mà ngay cả trong TMĐT nội địa cũng xuất hiện việc trốn thuế, né thuế, bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý. Các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng thường tìm những “lỗ hổng” để né thuế, chia nhỏ thành nhiều tài khoản khác nhau để kinh doanh, dẫn đến việc kê khai thuế có sự không chuẩn xác và rất khó có thể kiểm soát được. Nhiều trang mạng xã hội có nguồn gốc ở nước ngoài và không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam theo đó việc nắm bắt và phản ánh rất khó thực hiện... Thực chất, đây là hành vi trốn thuế.
Cũng cần nói thêm, trong cơ cấu nguồn thu ngân sách của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang có sự thay đổi lớn. Tỷ trọng nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu đã giảm sút rất nhiều (một phần do Việt Nam tham gia ký kết nhiều các hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều ưu đãi về thuế), trong khi nguồn thu khác trong nội địa cũng gặp nhiều khó khăn (do tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế và doanh nghiệp còn chưa phục hồi). Đó là chưa nói đến cán cân tài khóa của ngân sách đang ngày càng chênh lệch lớn giữa thu và chi (một phần do Chính phủ đang phải đưa ra những gói hỗ trợ kích thích và phục hồi nền kinh tế chưa từng có tiền lệ). Trong bối cảnh đó, thuế thu từ TMĐT sẽ là nguồn thu quan trọng để bù đắp thiếu hụt cho ngân sách.
Vừa qua, Tổng cục Thuế cũng cho ra mắt Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và ứng dụng eTax Mobile. Đây sẽ là địa chỉ để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế cũng như có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế và các chính sách pháp luật liên quan về lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam. Song, đây cũng là công cụ hữu hiệu để cơ quan thuế kiểm soát được nguồn thu từ các giao dịch thương mại điện tử (kể cả giao dịch xuyên biên giới). Mặt khác, điều này cũng giúp lành mạnh hóa “sân chơi” thương mại điện tử giữa các cá nhân và doanh nghiệp, giúp minh bạch và bình đẳng hơn.