Áp lực tăng giá lớn
Trong những chia sẻ gần đây, nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng thuộc Hội Lương thực thực phẩm TPHCM như Bidrico, Miliket Colusa… đều có điểm chung là đang xem xét điều chỉnh tăng giá nhẹ một số sản phẩm. Đơn cử như Công ty Tân Quang Minh (thương hiệu Bidrico), theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc công ty, khi giá xăng, nguyên liệu sản xuất tăng mạnh trong các tháng đầu năm thì giá sản phẩm phải tăng 10%-15% mới đủ bù chi phí. Chính vì thế, DN dù đã xoay sở đủ cách để kìm giá, nhưng vẫn đang xem xét điều chỉnh tăng giá nhẹ một số sản phẩm.
Công ty CP Lương thực thực phẩm Miliket Colusa cũng thông tin, công ty đã thông báo với khách hàng về kế hoạch tăng giá 3%-5%. Về nguyên nhân tăng giá, DN này cho biết, từ đầu năm đến nay, nguyên liệu chính trong ngành sản xuất mì, bún, phở ăn liền đã tăng 5%-10%, có loại tăng đến 20%, chưa kể gần đây nhà cung cấp bột mì tiếp tục thông báo tăng giá. Vì vậy, tăng giá là xu hướng không tránh khỏi. Ghi nhận thực tế ở nhiều kênh siêu thị cho thấy, nhiều nơi đã nhận được thông báo tăng giá hàng hóa từ DN sản xuất. Nhà bán lẻ Saigon Co.op - đơn vị sở hữu các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food - cho biết, hầu hết nhà cung cấp đã báo tăng giá 10%-15% với ngành hàng rau củ quả và tăng giá 10%-20% với ngành hàng thực phẩm công nghệ.
Tuy nhiên, nhà bán lẻ này vẫn đang trì hoãn việc tăng giá bởi thời điểm này sức mua còn yếu. Báo cáo mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam cũng chỉ ra, thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của Việt Nam trong quý 1-2024 tăng trưởng âm bất chấp thời điểm tháng Tết Nguyên đán và người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu thận trọng. “Hiện xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng vẫn đang phổ biến. Điều này đã tạo áp lực lớn với bài toán kinh doanh của các nhà bán lẻ”, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết.
Đảm bảo không tăng giá trong 3-4 tháng tới
Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, trên địa bàn vẫn còn rất nhiều người lao động có thu nhập thấp, người yếu thế, người nghèo… Chính vì vậy, khi giá cả biến động sẽ tác động rất lớn đến đời sống và tiêu dùng của những người này. Để giải quyết vấn đề trên, TPHCM đã chỉ đạo Sở Công thương và các sở ngành liên quan thực hiện chương trình bình ổn thị trường. Chương trình bình ổn thị trường năm nay, Sở Công thương TPHCM cho biết, sẽ được triển khai xuyên suốt cả năm 2024. So với năm ngoái, chương trình năm nay có 69 DN đầu mối tham gia (tăng 10 DN so với năm 2023).
Phần lớn các DN tham gia có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng. Trong đó, ở lĩnh vực phân phối có các DN hàng đầu như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh…; ở lĩnh vực sản xuất có Vinamilk, Nutifood, Vissan, Vinh Phát, Ba Huân, San Hà… là những cái tên đáng chú ý. Đặc biệt, danh mục hàng bình ổn thị trường năm nay còn mở rộng, bổ sung thêm nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, muối, nước uống, laptop, máy tính để bàn…
Tham gia chương trình bình ổn thị trường của TPHCM nhiều năm nay, Saigon Co.op cho biết, sau khi nhận được thông báo tăng giá hàng hóa từ một số nhà cung cấp, Saigon Co.op đã chủ động làm việc với nhà cung cấp rau củ quả để ký thỏa thuận bao tiêu một số sản phẩm, bảo đảm nguồn cung ứng. Riêng với nhóm thực phẩm công nghệ, Saigon Co.op đã chủ động đàm phán với nhà cung cấp và dự trữ lượng hàng ở các trung tâm phân phối tại Bình Dương, miền Tây, miền Bắc nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng với giá phải chăng. Thậm chí, nhà bán lẻ này khẳng định còn chủ động phối hợp với nhà sản xuất cùng giảm lợi nhuận để bảo đảm giá bình ổn. Đây cũng là nguyên nhân cho tới thời điểm này, về cơ bản, Saigon Co.op vẫn kiểm soát được về giá, bảo đảm không tăng giá các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm… trong 3-4 tháng tới.
Cùng với bình ổn giá, Sở Công thương TPHCM cho biết sẽ tiếp tục tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung năm 2024 nhằm tăng cường kết nối DN với người tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế thành phố. Theo đó, chương trình khuyến mãi tập trung sẽ chia làm 2 đợt: đợt 1 diễn ra từ ngày 15-6 đến 15-9; đợt 2 diễn ra từ ngày 15-11 đến 31-12. Chương trình này cho phép thương nhân tham gia được áp dụng khuyến mãi lên đến 100%.
Đối với việc thực hiện khuyến mãi, nhiều DN bán lẻ khẳng định sẽ tích cực tham gia bởi giảm giá sẽ là biện pháp hiệu quả để kích cầu thời điểm này. Đại diện nhà các bán lẻ cho biết, từ đầu năm tới nay do sức mua giảm nên DN đã phối hợp các nhà cung cấp liên tục thực hiện các đợt giảm giá sâu. Điển hình là giảm giá cho các dịp lễ như: 14-2; quốc tế phụ nữ 8-3; lễ giỗ tổ Hùng Vương; 30-4 và 1-5… Gần đây nhất, Saigon Co.op phối hợp với các nhà cung cấp triển khai chương trình khuyến mãi kỷ niệm 35 năm thành lập đơn vị, áp dụng với hơn 1.000 mặt hàng tiêu dùng nhiều vào mùa hè, trong đó có những nhóm hàng giảm tới 30%-40%, mua 2 tặng 1, mua 1 tặng 1… để kích cầu.
Theo Saigon Co.op, thông qua việc bình ổn giá hàng hóa cũng như giảm giá trực tiếp cho sản phẩm, nhà bán lẻ mong muốn chung tay cùng chính quyền thành phố giữ ổn định thị trường và đồng hành cùng người tiêu dùng trong thời điểm khó khăn hiện nay.