Tìm hiểu từ các doanh nghiệp nhập khẩu thì được biết, Việt Nam bắt đầu mua gạo của Ấn Độ từ đầu năm 2021 đến nay, nhưng chủ yếu là loại gạo tấm 100%. Lý do, vì gạo tấm của Ấn Độ rẻ hơn Việt Nam nên doanh nghiệp nhập về với khối lượng lớn để nấu rượu, ủ bia, sản xuất bún, bánh phở hoặc làm thức ăn chăn nuôi.
Giá gạo tấm của Việt Nam xuất khẩu có lúc 430-450 USD/tấn, trong khi giá gạo tấm của Ấn Độ chỉ 100-140 USD/tấn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam bán cái mình có và mua những cái mình cần, ở đâu giá rẻ hơn thì mua. Song, các chuyên gia lúa gạo lo ngại, nếu giá lúa gạo ở các nước rẻ hơn thì các doanh nghiệp không chỉ nhập khẩu gạo tấm mà có thể nhập cả gạo ăn. Để xảy ra tình trạng này thì ảnh hưởng đầu tiên là nông dân trồng lúa.
Đó là lý do mới đây, Bộ Công thương đưa ra đề xuất sửa đổi Nghị định 107 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, bằng việc bổ sung quy định về nhập khẩu gạo. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc sửa đổi, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là cần thiết để cơ quan quản lý có thể kiểm soát được mặt hàng lúa gạo phù hợp tình hình thực tế, kịp thời khắc phục những vấn đề phát sinh, đảm bảo sản xuất bền vững, xuất khẩu bền vững. Nhưng, cũng không nên kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu gạo bằng những mệnh lệnh hành chính hoặc những quy định cứng nhắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí tạo cơ hội để đẻ ra “giấy phép con”.