Theo ước tính của Sở Công thương TPHCM, mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 11.000 tấn lương thực, thực phẩm, với hơn 2.000 tấn gạo, 4.200 tấn rau củ quả; 1.000 tấn thịt gồm heo, bò, gà… Việc cung ứng sản phẩm đạt chất lượng, giữ gìn an toàn thực phẩm cho người dân luôn là bài toán lo “ngay ngáy” của thành phố.
Nhằm đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm an toàn, ngành công thương thành phố đã triển khai “Tick xanh trách nhiệm” từ tháng 3 năm nay. Điểm ưu việt của chương trình chính là “kích hoạt báo động đỏ” tại 8 hệ thống phân phối cùng ký kết thỏa thuận gồm Saigon Co.op, Satra, AEON, MM Mega Market, Central Retail, Bách Hóa Xanh, Wincommerce và Kingfood Market. Tức là khi có sản phẩm nào đó nhập vào siêu thị gặp vấn đề an toàn thực phẩm, hàng sẽ bị gỡ ra khỏi các hệ thống ngay lập tức.
Thực tế cho thấy các đơn vị tham gia cung ứng hàng hóa cho siêu thị cũng không dễ dàng, phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc gắn “tick xanh trách nhiệm” sẽ nâng lên mức độ bảo vệ cao hơn, tránh tình trạng xảy ra trước đây là doanh nghiệp đưa hàng “bẩn” bị loại tại siêu thị này đến tiêu thụ ở siêu thị khác.
Tuy nhiên, từ sự việc giá đỗ ngâm hóa chất đưa vào Bách Hóa Xanh ở Đắk Lắk để bán cho người dân cho thấy những biện pháp bảo vệ an toàn thực phẩm lâu nay vẫn chưa đủ. Từ vụ việc này, cơ quan quản lý nhà nước cần trang bị áo giáp “uy lực” hơn, đó là lấy mẫu ngẫu nhiên của nhà cung cấp đem đi xét nghiệm. Việc này phải thực hiện thường xuyên, hàng ngày hoặc vài lần trong tuần đối với tất cả mặt hàng bày bán trong siêu thị, chợ… Nếu thực hiện nghiêm túc như vậy chắc chắn sẽ phát hiện rất sớm thực phẩm bẩn, đồng thời thức tỉnh các nhà sản xuất phải làm ăn đàng hoàng, nếu xem thường sinh mạng của người tiêu dùng thì sẽ không có đất sống và bị pháp luật trừng trị thích đáng!
Một vấn đề rất nóng khác là câu chuyện bán hàng online bùng nổ. Xu hướng mua hàng trực tuyến tăng mạnh, chỉ cần tìm kiếm trên mạng sẽ thấy những fanpage bán nông sản, hàng tiêu dùng thu hút hàng trăm ngàn thành viên. Nhờ lực lượng tiêu dùng hùng hậu của “chợ mạng” đã giúp hàng hóa nông sản vận chuyển đi muôn nơi. Liệu những mặt hàng bày bán online có bảo đảm an toàn chất lượng, hay chỉ là cam kết của người bán “hàng sạch 100%”. Do vậy, việc kiểm tra, giám sát, truy vùng trồng, xét nghiệm mẫu sản phẩm đối với các trang online bán hàng là hết sức cần kíp.
Đặc biệt, nhằm đảm bảo thực phẩm an toàn, chúng ta cần có chính sách kích cầu để hình thành nhà cung cấp, doanh nghiệp đủ lớn cung ứng chuỗi sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi hay bấp bênh, thường rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, lợi nhuận trồi sụt, nên thiếu sức hút nhà đầu tư.
Do vậy, Chính phủ cần có cơ chế đặc biệt để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đó là thiết lập những vùng chuyên canh lớn, miễn tiền thuê đất, đặc biệt là miễn hẳn lãi suất cho vay (hay nói cách khác là cho mượn vốn) để kích thích thu hút nhà đầu tư tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch cung ứng ra thị trường. Từ chính sách này, chúng ta có thể hy vọng hình thành được những doanh nghiệp lớn dẫn dắt trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần chủ động chuỗi cung ứng hàng hóa “từ trang trại đến bàn ăn”.
Khi chúng ta có sản phẩm nông nghiệp sạch cùng với giá thành vừa phải mới mong sớm ngăn chặn được lối tư duy và cách làm thực phẩm “bẩn” có thể “đầu độc” người tiêu dùng. Đó chính là giải pháp hữu hiệu bảo vệ người dân thoát khỏi thực phẩm “bẩn” và hơn thế nữa là bảo vệ được giống nòi cho tương lai.