Đầu tiên có thể kể là chuyện tại Trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An vào ngày 28-2. Vì học sinh không giữ trật tự trong lớp, cô giáo đã bắt học sinh quỳ. Học sinh về mách lại ba mẹ và phụ huynh nóng giận đã đến “thay luật pháp” dùng luật rừng bắt cô giáo phải quỳ 40 phút. Chuyện này đã dẫn đến ông Võ Hòa Thuận, người bắt cô giáo quỳ đã bị khai trừ Đảng. Hiệu trưởng nhà trường cũng vì chuyện này mà bị cách chức.
Tiếp theo đó không bao lâu là chuyện phát hiện con có vết bầm ở chân, ngay 22-3 bà Phan Thị Nghĩa, mẹ của cháu bé đã đến Trường Mầm non Việt - Lào (TP Vinh, Nghệ An) đánh cô giáo đang thực tập và bắt cô giáo quỳ. Kết quả là cô giáo phải nhập viện. Mẹ của cháu bé phải đối diện với luật pháp về tội danh cố ý gây thương tích và tội làm nhục người khác.
Chuyện buồn không dừng lại, khi cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, chủ nhiệm lớp 3A5 Trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng, bị phát hiện bắt học sinh uống nước giẻ lau. Cô giáo đã bị cắt hợp đồng giảng dạy vì hành vi trên.
Đi đến cội nguồn gốc rễ của những chuyện trên đều xuất phát từ chuyện nóng giận, dẫn đến nhiều hành động phản cảm của cả hai bên. Làm gì để không xảy ra những chuyện trên? Ví dụ, chuyện học sinh làm ồn trong lớp, cô giáo có nhiều cách để ổn định lớp, không phải bắt học trò quỳ, không phải bắt học sinh uống nước giẻ lau… Cứ tự nhiên mỉm cười tha thứ chuyện ồn ào trong lớp của học sinh. Có thể là do học tập trung quá, đã đến lúc cho học sinh xả xì trét một chút, tạo không khí vui vẻ trong lớp, sau đó nhắc các em tập trung học tiếp.
Khi xung đột xảy ra giữa hai bên thầy cô giáo và phụ huynh, cách tốt nhất là Ban giám hiệu làm trung gian tiếp nhận nỗi bức xúc của phụ huynh, rồi bàn cách giải quyết, vừa tuân thủ pháp luật, vừa giữ vững tinh thần tôn sư trọng đạo. Nếu bước này, thực hiện tốt chắc chắn sẽ không xảy ra chuyện phụ huynh nóng giận bắt cô giáo quỳ ở Bến Lức, hay là vừa đánh vừa bắt cô giáo quỳ ở Nghệ An.
Phải khẳng định đi dạy học là sẽ gặp nhiều phiền toái từ học sinh, vì “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” mà. Chuyện học trò có quậy phá, có nói chuyện ồn ào hay có những tật xấu nào đó, thầy cô giáo chính là người phải dùng nghệ thuật sư phạm của mình để cùng gia đình, xã hội uốn nắn, dạy dỗ các em trở thành con ngoan, trò giỏi, người công dân tốt trong tương lai. Không cứ chuyện nào cũng lại trừng phạt, dùng nhục hình với học sinh, sai với các biện pháp giáo dục, sai với luật pháp. Còn đối với phụ huynh học sinh khi có bức xúc với thầy cô giáo, xin hãy kềm lòng tức giận, hãy đến trao đổi chân tình với ban giám hiệu, đừng “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” đối với người thầy trên bục giảng. Chính cách đối xử chân tình, cùng nhau giải quyết sẽ không dẫn đến những chuyện buồn như đã kể trên.
Biết dằn lòng bức xúc, biết mỉm cười tha thứ… đó là hai điều khiến mọi việc đều trở nên thuận lợi trên đường đời.