Người giận dữ như chiếc điện thoại bị treo
“Khi giận dữ, tâm trí người ta như chiếc máy điện thoại bị treo. Họ không thể chấp nhận bất kỳ ý kiến của một ai, không thể đủ sáng suốt để làm bất cứ điều gì. Họ trở nên mù quáng, u mê, dẫn đến những hành động mất kiểm soát, sai trái, thái quá hoặc không giống bình thường”, thạc sĩ Đoàn Hoàng Giang cho biết.
Người giận dữ là người nuôi dưỡng, nung nấu cảm xúc tiêu cực như sự bất lực, bế tắc, chất chứa trong lòng những xúc phạm, tổn thương. Nhiều người giận dữ vì lý do đạo đức, phẫn nộ vì giá trị mà mình tin tưởng bị tấn công. Hoặc họ thịnh nộ vì cho là bị làm nhục, mất đi hình ảnh, bộ mặt cá nhân, trách nhiệm được gánh vác. “Một khi sự giận dữ trở thành kinh niên, cảm xúc ấy sẽ như một vết khắc trong tim. Người giận dữ sẽ trở nên cứng nhắc, thiếu khoan dung và khước từ sự khác biệt. Họ trở thành nhà độc tài, muốn xã hội chỉ đi theo những giá trị mà họ tôn thờ. Họ lấy sự giận dữ làm vỏ bọc cho hành vi, sự yếu đuối của bản thân”, ông Giang nói.
Nhưng cũng theo ông, không giận dữ lại hoàn toàn trái ngược với sự thờ ơ, mặc kệ, càng khác hẳn với nhút nhát, im lặng và bạc nhược. Không giận dữ nhưng vẫn quan tâm đến vấn đề đó, vẫn điềm tĩnh đưa ra quan điểm ý kiến của bản thân mà không để cảm xúc chen vào.
Cách quản lý sự giận dữ
Điềm tĩnh, theo chuyên gia tâm lý, đó là một trạng thái tâm lý con người, bao gồm: sự cương quyết, minh mẫn, sắc bén, đanh thép, có sức thuyết phục nhưng không thô bạo. Sự điềm tĩnh là vũ khí bảo vệ bản thân và người khác khỏi những hành vi do sự mất kiểm soát cảm xúc gây ra. Điềm tĩnh là không lẩn tránh xung đột mà bày tỏ nhu cầu, ý kiến của bản thân nhưng vẫn tôn trọng cảm xúc, ý kiến đánh giá của người khác. Người điềm tĩnh là người luôn tìm kiếm giải pháp trong tinh thần hợp tác, vững vàng giữa biển giận dữ của người khác, không suy sụp, không hạ nhục, cưỡng bức hay đe dọa.
“Quản lý sự giận dữ là một thành tố của trí tuệ cảm xúc. Đó là khả năng nhận biết cảm xúc của chính mình và “đọc” người khác. Nhận biết cảm xúc của chính mình, gọi tên những bất ổn và nguyên nhân gây mất bình tĩnh. Từ đó thể hiện cảm xúc có mức độ, không để sự bấn loạn lấn chiếm tư duy của mình. Thứ hai là khả năng “đọc” tâm trạng, cảm xúc của người khác, nắm được tâm lý, thấu hiểu và phản hồi lại một cách tinh tế”, thạc sĩ Đoàn Hoàng Giang phân tích. Muốn quản lý được sự giận dữ, trước hết ta phải quản lý cảm xúc của chính bản thân. Hãy thú nhận rằng bạn đang trong tình trạng giận dữ, không nên biện hộ rằng: “Tính tôi như vậy đó”, “Chúng nó như thế làm sao không giận dữ được?”, mà hãy dũng cảm cởi bỏ lớp áo của sự giận dữ của mình bằng cách đối diện với nó.
Kiểm soát sự giận dữ của bản thân có hai cách, theo như thạc sĩ Đoàn Hoàng Giang là, “không bật diêm” (khước từ mọi lời mời của sự giận dữ) khi ai đó nói “Cô là người không có giá trị”, hãy nói “Không sao cả” và cách thứ hai là “làm ướt ngòi pháo” (kéo dài thời gian cảm xúc trỗi dậy thành hành vi. Đó là khoảng thời gian mỗi cá nhân suy nghĩ lại những hành vi, lời nói, cảm xúc của bản thân và người khác).
Cũng theo thạc sĩ, dù làm cách nào, sự điềm tĩnh, tha thứ với chính bản thân mình luôn là một trong những cách tốt nhất giúp kiểm soát sự giận dữ và góp phần làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Thay vì căm ghét, giận dữ trước những thiếu sót của mình, chúng ta hãy yêu thương những phần không hoàn thiện, khiếm khuyết ấy, tìm cách hỗ trợ từ nhiều nguồn lực khác như gia đình, bạn bè, xã hội. Yêu thương những thiếu sót, tha thứ với khuyết điểm của mình là cách để ta có động lực để cố gắng và hoàn thiện mỗi ngày.