* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, theo quyết định mới nhất của Thủ tướng, cứ 3 tháng 1 lần có thể xem xét điều chỉnh lại mức giá bán lẻ điện bình quân, nghĩa là trong 1 năm có thể có 4 lần tăng giá điện. Việc này có thể xảy ra không?
* Ông NGUYỄN THẾ HỮU, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương): Theo quy định mới, giá điện không chỉ có tăng mà còn có thể phải giảm. Cụ thể là nếu tính toán chi phí mà giá bán điện bình quân thấp hơn từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Ngược lại, nếu khi tính toán mà mức giá này cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 3% đến dưới 5%, EVN được tự quyết định tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Ở mức từ 5% đến dưới 10%, EVN phải báo cáo Bộ Công thương và chỉ được tăng tương ứng khi Bộ Công thương đồng ý. Còn từ 10% trở lên, Bộ Công thương, Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng xem xét.
Điểm mới của quy định này là cho phép rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá điện, cụ thể là rút ngắn từ 6 tháng còn 3 tháng. Nhưng điều này không có nghĩa là cứ 3 tháng lại thay đổi giá 1 lần, mà còn tùy thuộc vào đánh giá tác động kinh tế vĩ mô, kết quả kiểm tra các yếu tố, chi phí đầu vào liên quan giá điện bình quân đã đủ mức để điều chỉnh hay chưa. Thêm nữa, giá điện cần điều chỉnh theo lộ trình để giảm tác động đến kinh tế vĩ mô và tránh ảnh hưởng tới khách hàng sử dụng điện.
* Theo báo cáo của EVN, hiện nay mức giá điện bình quân mà Chính phủ phê duyệt (sau 2 lần tăng trong năm 2023) vẫn đang nằm dưới giá thành thực tế do chi phí đầu vào còn ở mức cao và còn nhiều khoản chưa được đưa vào để tính. Nhưng, làm cách nào để người dân giám sát được mức tính toán này, đảm bảo tính công khai, minh bạch?
* Ông NGUYỄN THẾ HỮU: Để đảm bảo mức độ công bằng, minh bạch khi tính toán các yếu tố cấu thành chi phí giá điện (đầu vào), theo Quyết định 05 cũng như Quyết định 24, Bộ Công thương giữ vai trò chính trong điều hành giá điện và phối hợp với Bộ Tài chính, cùng các bộ có liên quan đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ về định hướng điều hành thị trường điện và năng lượng.
Bộ Công thương vẫn sẽ giữ vai trò chính trong việc kiểm tra, rà soát, giám sát các phương án giá điện do EVN xây dựng và trong quá trình kiểm tra, điều chỉnh giá điện, cũng như tham mưu, đề xuất Thủ tướng trong điều hành giá điện. Hàng năm Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan sẽ kiểm tra chi phí và công khai để người dân giám sát, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
* PGS-TS NGÔ TRÍ LONG, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Theo quy định mới, để giám sát giá điện, hàng năm EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công thương về chi phí sản xuất - kinh doanh điện đã được kiểm toán và căn cứ báo cáo này cùng với báo cáo tài chính của EVN (đã được cơ quan kiểm toán độc lập), Bộ Công thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra chi phí sản xuất - kinh doanh điện, với sự tham gia của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ quan, hiệp hội liên quan.
Giá bán điện bình quân được xác định trên cơ sở chi phí khâu phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện… cùng các khoản chi phí khác được phân bổ theo quy định. Quy định là vậy, nhưng điều quan trọng là hàng năm hoặc hàng quý, cơ quan điều hành cũng như EVN cần kịp thời công khai các khoản chi phí, tình hình tài chính, tình hình sản xuất - kinh doanh để người dân có thể giám sát.
* Ông đánh giá thế nào khi Bộ Công thương đề xuất chính sách 5 bậc thang của giá điện lũy tiến, thay cho 6 bậc hiện hành? Người dân có được lợi gì?
* PGS-TS NGÔ TRÍ LONG: Theo dự thảo mà Bộ Công thương đề xuất, nếu áp dụng mức giá điện bán lẻ theo 5 bậc này, càng sử dụng nhiều điện sẽ càng phải trả nhiều tiền hơn (chẳng hạn nếu mỗi tháng sử dụng từ 401kWh trở lên thì giá điện áp cho bậc 4 và 5 sẽ bằng 162-180% giá bán bình quân, song những hộ sử dụng mỗi tháng khoảng 301-400kWh sẽ hưởng mức giá thấp hơn so với mức hiện hành). Cách thiết kế này dựa trên tiêu chí các hộ sử dụng điện ở bậc 4 và 5 sẽ bù đắp phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện của các hộ thuộc bậc 1 và 2.
Theo tôi, việc tính giá điện bậc thang là cần thiết và phù hợp xu hướng thế giới để khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm hơn vì càng dùng nhiều càng phải trả giá cao. Nhưng, việc rút ngắn 6 bậc thành 5 bậc thì thường có tính chất “đánh đồng”, người sử dụng điện chưa chắc đã có lợi, vì theo nguyên tắc thì càng chia nhiều bậc thì giá điện mới phản ánh đúng mức điện tiêu thụ.
Hiện nay có những nước đang áp dụng tới 6 bậc, 8 bậc, cũng có nước chỉ 3-4 bậc. Nhưng theo tôi, việc chia bao nhiêu bậc cũng không quan trọng bằng cách tính và mức giá điện bán lẻ cho mỗi bậc. Mức giá này phải minh bạch, bám sát thực tế chi phí để doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh không bị lỗ mà người sử dụng cũng không bị thiệt. Vấn đề nóng, bất hợp lý hiện nay là người sử dụng điện sinh hoạt đang phải “gánh” cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.
Cụ thể là giá điện sinh hoạt đang ở mức rất cao so với giá điện bình quân, trong khi giá điện kinh doanh lại rẻ, nên không khích lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị tiết kiệm điện. Thiết nghĩ, chúng ta không nên lấy giá điện sinh hoạt bù cho giá điện sản xuất và dịch vụ du lịch.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân:
Năm nay không thiếu điện
Từ cuối năm ngoái đến nay, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo về việc khắc phục tình trạng thiếu điện như năm 2023. Thủ tướng đã giao Bộ Công thương phải trực tiếp giám sát, tham gia cùng EVN điều tiết, đảm bảo nguồn điện, đồng thời phải có đổi mới trong lập kế hoạch điều hành, điều độ nguồn điện. Đến nay, Bộ Công thương đã chủ động ban hành các kế hoạch về huy động nguồn phát điện và kế hoạch về cung ứng nguồn nguyên nhiên liệu khí, than cho sản xuất điện.
Điểm mới năm nay là Bộ Công thương đã ban hành riêng một kế hoạch về đảm bảo điện cho các tháng mùa khô (tháng 4-5-6-7). So với dự báo, hiện nay nhu cầu phụ tải tiêu thụ tăng nên Bộ Công thương đã làm việc với EVN và các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty để chủ động, kịp thời điều độ nguồn điện. Do vậy, có đủ cơ sở để tin tưởng trong năm 2024 sẽ không lặp lại tình trạng thiếu điện như năm ngoái.