Từ những sai phạm cụ thể này cũng cảnh báo và đặt ra yêu cầu phải tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân nội tại vì sao hàng loạt ngân hàng có sai phạm lớn như vậy.
Mờ nhạt vai trò tổ chức đảng
Hiện TAND TPHCM đang xét xử đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB), Trầm Bê (nguyên Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) cùng 44 đồng phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng xảy ra tại VNCB. Ngoài ra, thời gian qua nhiều sai phạm nghiêm trọng cũng được phát hiện ở Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank)…
Trước các sai phạm phổ biến này có hàng loạt câu hỏi cần được làm rõ. Đặc biệt, vì sao Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, cùng hệ thống các tổ chức chính trị xã hội nằm trong các đơn vị này vẫn để xảy ra tình trạng tiêu cực lớn như vậy? Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở các ngân hàng này, mà hạt nhân là cấp ủy, đã được phát huy ra sao?
Các sai phạm ở các ngân hàng nêu trên hầu hết có liên quan đến “nhóm lợi ích”, gắn với người đứng đầu. Trong sai phạm có một phần từ việc một số cán bộ, nhân viên ngân hàng bị lôi kéo, mua chuộc và đồng phạm với người đứng đầu. Phân tích cụ thể hơn về sai phạm ở Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) càng cho thấy vai trò của tổ chức đảng, của Ban Thường vụ Đảng ủy ở đây rất mờ nhạt. Cụ thể, ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT, đã “quyết” hầu như mọi vấn đề về việc cho ai vay, vay như thế nào...
Trong khi tổ chức đảng tại ngân hàng được duy trì để “phục vụ” cho việc kiểm tra của cấp trên là chính, thì công tác kiểm tra của đảng ủy khối cũng chỉ mang tính bề nổi là chính. Đảng ủy khối với vai trò lãnh đạo về mặt chính trị, tư tưởng về sinh hoạt đảng nhưng không liên quan đến quyết định hoạt động sản xuất kinh doanh và hầu như không liên quan đến công tác cán bộ, nhân sự của ngân hàng. Một khi tổ chức đảng cấp trên (như đảng ủy khối) không quyết định được vấn đề nhân sự thì “tiếng nói” cũng rất yếu ớt. Chính vì thế, vai trò kiểm tra, giám sát của đảng ủy khối cũng khó đạt hiệu quả như mong muốn.
Giúp người đứng đầu “được kiểm soát quyền lực”
Trong điều kiện kinh tế thị trường khốc liệt, công tác đảng, nhất là giáo dục chính trị tư tưởng, cần được quan tâm hơn nữa. Nó phải được thực hiện song song với việc thực hiện nhiệm vụ ngân hàng nhằm đảm bảo chỉ tiêu doanh số, lợi nhuận và bảo vệ vốn, kinh doanh hiệu quả. Thực tế cho thấy, nếu tổ chức đảng mạnh sẽ giúp đảm bảo định hướng chính trị trong hoạt động kinh doanh, tiền tệ ở các ngân hàng, bất kể thuộc thành phần kinh tế nào. Điều này đòi hỏi về bản lĩnh, trách nhiệm chính trị và sự am tường, hiểu biết, tính chuyên nghiệp của những đảng viên, của cấp ủy trong các tổ chức ngân hàng. Bản thân các đảng viên phải có năng lực, có chính kiến, dám nói, dám làm và biết bảo vệ Đảng, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và nhân dân một cách thường xuyên. Nếu không, về hình thức thì các tổ chức đảng vẫn tồn tại nhưng không thực chất, không có sức chiến đấu.
Hiện nay, hoạt động của tổ chức đảng ở các ngân hàng chịu sự tác động lớn vào người đứng đầu. Nếu họ là đảng viên, là bí thư, thì hoạt động của tổ chức đảng sẽ có nhiều thuận lợi. Song, ở một số ngân hàng, giám đốc, tổng giám đốc không phải là đảng viên. Do đó, chúng ta phải nghiên cứu từng loại hình cụ thể trong lĩnh vực ngân hàng và có các hướng dẫn về hình thức, nội dung, phương thức tổ chức sinh hoạt, hoạt động của tổ chức đảng cho phù hợp. Trong đó phải đảm bảo, tổ chức đảng phải có tiếng nói trong vấn đề nhân sự và có tiếng nói liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, chứ không chỉ lãnh đạo về chính trị, tư tưởng.
Bên cạnh tổ chức đảng thì cần phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, cựu chiến binh trong việc kiểm tra, giám sát nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp. Có như thế, người đứng đầu doanh nghiệp, ngân hàng mới tôn trọng dân chủ, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Họ buộc phải nhìn lại, rà soát lại trước khi ra các quyết định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, liên quan đến tổ chức nhân sự, bộ máy. Đây cũng là việc giúp cho người đứng đầu “được kiểm soát quyền lực”.
Cũng nên nghiên cứu thực hiện “nhất thể hóa” trong các ngân hàng. Theo đó, những ai là người đứng đầu có tài, có đức, được chứng minh trong thực tiễn là trong sạch, không tham nhũng thì thực hiện nhất thể hóa. Ngược lại, một người dù là chuyên gia giỏi, nhà quản trị giỏi và kinh doanh rất giỏi nhưng có tì vết về tham nhũng thì nhất định không được tập quyền về cá nhân này, kể cả công tác đảng lẫn lĩnh vực quản lý chuyên môn.
Yêu cầu đặt ra là phải có bí thư đảng ủy giỏi về công tác đảng lẫn công tác chuyên môn ở các ngân hàng. Nếu không đảm bảo được yêu cầu này thì bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐTV là của tổ chức đảng, và thuê giám đốc (được tổ chức chuyên môn kiểm tra về năng lực quản trị ngân hàng và kiểm kê về tài sản) điều hành hoạt động ngân hàng. Khi đó, bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐTV của ngân hàng sẽ giám sát giám đốc; còn tổ chức đảng cấp trên, đảng viên trong chi bộ sẽ giám sát bí thư đảng ủy và chủ tịch HĐQT. Cơ chế kiểm soát chéo cần được phát huy hiệu quả nhằm góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu sai phạm ở các ngân hàng.
Vai trò của Đảng ủy Khối doanh nghiệp cũng cần được xem lại. Tổ chức đảng cần phải được nghiên cứu, tổ chức lại cho phù hợp theo hướng bỏ bớt các tổ chức trung gian, gắn với tổ chức đảng ở cơ sở. Cùng đó là phải xem lại nội dung, phương thức, hình thức kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, của cấp ủy và của Ủy ban Kiểm tra các cấp cùng cấp ủy cấp trên. Từ đó có hình thức kiểm tra, giám sát phù hợp. Công tác giám sát cần quan tâm đặc biệt nhằm chủ động nắm bắt diễn biến sự việc, sớm phát hiện các sai phạm và xử lý kịp thời. Nếu không, các sai phạm kéo dài, có tính hệ thống sẽ gây ra hậu quả xảy ra rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như các dẫn chứng đã nêu. Sai phạm lúc này mới được xử lý thì không những làm “mất người”, mất của, mà còn gây ra những tác động xấu trong xã hội. |
TS NGUYỄN VIỆT HÙNG - Học viện Cán bộ TPHCM