Phế liệu vẫn ùn ứ tại các cảng
Theo Bộ TN-MT, tính đến hết năm 2018, tổng lượng container có tên khai báo trên Emanifest là phế liệu đang lưu giữ tại các cảng biển là 18.861 container.
Đây cũng được đánh giá là hiện tượng gia tăng bất thường đối với lượng rác thải phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam. Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg nhằm cấp bách ngăn chặn thực trạng này.
Ngay khi chỉ thị ban hành, Bộ TN-MT triển khai áp dụng hàng loạt biện pháp ngăn chặn từ xa. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã buộc các lô hàng phế liệu nhập khẩu không có thông tin chủ hàng hoặc chủ hàng không thuộc danh sách tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu sẽ không được đưa vào lãnh thổ Việt Nam.
Trường hợp những lô hàng phế liệu nhập khẩu của các cơ sở được cấp giấy xác nhận được hạ xuống cảng và xác định không đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thì cơ sở nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái xuất lô hàng.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết kể từ khi áp dụng biện pháp ngăn chặn đến nay, cơ quan hải quan của các địa phương đã yêu cầu các hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam 503 container.
Trong đó có 289 container phế liệu nhựa, 106 container phế liệu giấy, 98 container phế liệu sắt, thép và 10 container phế liệu khác. Điều này cũng gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư và vận hành hạ tầng cảng.
Cũng theo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, đơn vị đang tiếp tục phối hợp với Cục Hải quan TPHCM đánh giá, phân loại, giám định các container phế liệu vô chủ đang tồn đọng tại cảng để xác định chất lượng phế liệu nào đủ tiêu chuẩn nhập khẩu thì tổ chức bán đấu giá, phế liệu nào không đủ tiêu chuẩn thì tiêu hủy hoặc tái xuất… |
Đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn thông tin, tính đến tháng 2-2019, tại cảng Cát Lái có đến 3.800 container phế liệu tồn đọng, gây cản trở rất lớn cho hoạt động của cảng.
Trước thực tế đó, đơn vị đã phải áp dụng biện pháp giảm 80% phí lưu bãi đối với các container phế liệu nhập khẩu trước năm 2018 và đang tồn đọng tại cảng Cát Lái. Tuy nhiên, điều kiện giảm phí này chỉ áp dụng nếu khách hàng lấy hàng ra khỏi cảng trước tháng 5-2019. Nhờ vậy mà lượng tồn đọng chỉ còn khoảng 1.350 container.
Hiện đơn vị đang cùng các cơ quan chức năng truy tìm nguồn gốc cũng như xác định chủ doanh nghiệp nhập khẩu các container trên. Thế nhưng, phần lớn là những container vô chủ nên rất khó để có thể thanh lý triệt để.
Thắt chặt kiểm soát và chế tài
Nhìn nhận ở góc độ quản lý, Bộ TN-MT cho biết thêm, việc tái xuất lô hàng phế liệu của các hãng tàu rất chậm, thậm chí thiếu hợp tác với các đơn vị quản lý cảng cũng như cơ quan chức năng.
Do vậy, để khắc phục tình trạng này, bộ đã giảm từ 36 loại rác xuống còn 23 loại phế liệu được nhập theo danh mục. Đồng thời ban hành 2 thông tư với 6 quy chuẩn quốc gia về nhập khẩu phế liệu. Bộ TN-MT cũng tiến hành rà soát tổng thể lại giấy phép đã cấp cho các đơn vị nhập khẩu phế liệu trước đây.
Bên cạnh đó, bộ đã đề xuất Bộ Tài chính rà soát, cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu vi phạm quy định nhưng không thực hiện thủ tục tái xuất. Đây sẽ là cơ sở để Bộ TN-MT xem xét tước quyền sử dụng giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất
Còn với Bộ GTVT, cơ quan này sẽ không cấp phép tiếp cho hãng tàu nếu các hãng tàu chậm trễ trong việc vận chuyển các lô hàng không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài ra, trong phạm vi quản lý của các bộ khác liên quan như Bộ Công an, Bộ KH-CN… cần xác định rõ khái niệm về phế liệu, chất thải nguy hại, hàng hóa đã qua sử dụng cấm nhập khẩu, kết hợp xây dựng chế tài xử lý vi phạm để chủ động phòng ngừa từ xa với hoạt động nhập khẩu phế liệu.
Trước đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT không cấp cũng như không gia hạn giấy xác nhận đối với đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu, các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu…
Bộ chỉ xem xét cấp mới, cấp lại giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu cho các doanh nghiệp chứng minh được năng lực tái chế, hoặc làm nguyên liệu sản xuất.